|
Theo một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chính phủ cũng kiến nghị QH đồng ý cho TP.HCM thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội nhằm giúp người nghiện cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo điều 131 luật Xử lý vi phạm hành chính. Các địa phương có số lượng lớn người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định, nếu có điều kiện thì cũng được phép lập các trung tâm tiếp nhận xã hội có chức năng tương tự.
“Chậm nữa là chết”
Là người từng trực tiếp chỉ đạo thực hiện đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” theo Nghị quyết 16 của QH, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết giai đoạn cao điểm thực hiện đề án từ 2004 - 2008, TP đã tổ chức cai nghiện tập trung cho hơn 32.000 người. Sau đó, do hết thời gian thí điểm, TP từng bước giải quyết cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh việc cai nghiện tại cộng đồng hoàn toàn không hiệu quả. Ông Tài nhìn nhận: “Với tình trạng người nghiện trầm trọng như hiện nay, nếu việc tổ chức cai nghiện tập trung chậm nữa là chết, vì người nghiện sẽ nghiện nặng hơn, tội phạm có tính chất ác độc sẽ tăng nhiều hơn, xã hội sẽ bất an hơn”.
|
Liên quan đến đề xuất tập trung quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định: “Cách TP làm không vi phạm nhân quyền gì cả mà là rất nhân văn. Thực tế nhiều gia đình từ chối người nghiện khiến họ lang thang. Chúng tôi hình thành trung tâm xã hội để tiếp nhận họ, giúp đỡ họ cai nghiện, ổn định tâm lý, sức khỏe để có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Đà Nẵng "xé" nhiều đoạn rào
Trước thực trạng cai nghiện tập trung gặp khó do vướng luật, TP.Đà Nẵng tiên phong định nghĩa rõ các khái niệm chưa có hướng dẫn để đẩy nhanh quá trình này.
Cuối tháng 9.2014, TP.Đà Nẵng ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy để rút ngắn quy trình. Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng cho biết đến nay đã thành lập được 49 tổ công tác cai nghiện ở xã, phường để lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, chuyển hồ sơ cho tổ tư vấn quận, huyện gồm đại diện ngành tư pháp, công an, LĐ-TB-XH thẩm định trong vòng 3 ngày, thay vì 17 ngày như quy định. Sau đó, từ 3 - 5 ngày tòa án phải ra quyết định. Kết quả hơn một tháng qua, đã có 7 người nghiện được chuyển cho tòa án thụ lý hồ sơ, giải quyết 5 trường hợp. TP.Đà Nẵng còn quyết định thành lập cơ sở tạm thời quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú, để ổn định trong thời gian làm thủ tục chuyển tòa án.
Ngoài ra, ông Huỳnh Đức Thơ, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết TP làm rõ định nghĩa “không có nơi cư trú ổn định” là tuy có hộ khẩu, đăng ký tạm trú nhưng qua kiểm tra mà thường xuyên vắng mặt, có công an, gia đình xác nhận thì đưa người nghiện vào cơ sở lưu trú tạm thời.
Nhân lực, cơ sở cai nghiện sẵn sàng Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Trần Trung Dũng cho biết TP.HCM đã hoàn tất phương án chuyển đổi Trung tâm cai nghiện Bình Triệu (Q.Thủ Đức) và Trung tâm Nhị Xuân (H.Hóc Môn) thành 2 trung tâm tiếp nhận xã hội để quản lý, giúp đỡ người nghiện lang thang. Lực lượng làm công tác cai nghiện của TP.HCM có kinh nghiệm nhiều năm nhờ đã từng tham gia công tác cai nghiện theo Nghị quyết 16 của QH trước đây. Hiện nay, số lượng vẫn còn khoảng 1.300 người, đủ sức lo liệu được vấn đề cai nghiện tập trung. Đình Phú |
Đình Phú - Nguyễn Tú - Hà Nguyễn
>> Thường vụ Quốc hội đồng tình thực hiện một số giải pháp về cai nghiện ma túy
>> 13/40 học viên cai nghiện trốn trại đã được đưa về trung tâm
>> 40 học viên cai nghiện phá rào trốn trại
>> Thủ tướng: Đánh giá nghiêm túc công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai
Bình luận (0)