|
Các chuyên gia đều đánh giá chứng khoán là kênh sinh lời cao nhất từ đầu năm đến nay và cơ hội sắp tới vẫn khá cao cho các nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên, đầu tư ở thị trường này luôn phải đối mặt với rủi ro mà không phải ai cũng có thể sớm nhận biết.
Hai kịch bản
Tại Hội nghị thường niên các NĐT 2014 tổ chức vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Công ty quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cho biết tăng trưởng lợi nhuận ước tính cho cổ phiếu VN ở mức 3% năm 2014 và 10% năm 2015. Hiện tại, mức kỳ vọng chỉ số VN-Index của đơn vị này vào cuối năm nay sẽ tăng lên 620 -650 điểm, vượt mức đưa ra đầu năm chỉ ở mức 580 - 600 điểm, do dựa trên chỉ số giá tiêu dùng và lãi suất đã được điều chỉnh ở mức thấp hơn.
Tương tự, gần đây các tổ chức tài chính thế giới đều đánh giá cao về triển vọng kinh tế VN nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Việc VN phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế với lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, với hơn 430 nhà đầu tư quốc tế đăng ký mua số lượng lớn hơn gấp 10 lần, càng khẳng định thêm điều này.
|
Tuy nhiên, với cái nhìn thận trọng hơn, chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định sẽ có 2 kịch bản xảy ra trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Đó là thị trường vẫn theo xu hướng tăng với xác suất khoảng 60 - 65%, tương tự như diễn biến xảy ra vào cuối năm 2013. Nhưng trong đó mức tăng cũng theo từng nhóm cổ phiếu (CP) chứ không có chuyện tăng đồng loạt cả thị trường. Kịch bản thứ hai với xác suất thấp hơn, từ 35 - 40%, là thị trường sẽ tăng đến hết tháng 11 và sau đó giảm dần đến Tết Nguyên đán 2015 và chỉ phục hồi lại sau đó. Nguyên nhân là giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh và trên thế giới các NĐT đang bán ra nhóm CP ngành dầu khí vì dự báo lợi nhuận sẽ giảm.
Tại thị trường VN, nhóm CP dầu khí được xem là dẫn đầu thị trường vì chiếm tỷ trọng lớn và có tác động mạnh đến việc tăng giảm của chỉ số VN-Index như GAS, PVX, PVS... Với tác động từ thế giới thì nhóm CP dầu khí trên sàn khó tăng mạnh, dẫn đến chỉ số VN-Index cũng không được hỗ trợ để tăng như kỳ vọng. Ngoài ra, động thái bán ròng trong tháng 10 của các NĐT nước ngoài và hoạt động giao dịch yếu ớt trong tháng 11 này khiến thị trường chưa có thêm dòng tiền hỗ trợ. “Những năm trước khối ngoại đều mua vào mạnh trong tháng 10 nên động thái bán ra trong năm nay khiến nhiều NĐT trong nước ngạc nhiên. Vì vậy, xu hướng rót thêm tiền hay rút bớt ra của khối ngoại cũng sẽ có tác động lớn đến dòng tiền tham gia chứng khoán và cả tâm lý của các NĐT trong nước. Đây chính là yếu tố khó dự báo nhất trong thời gian tới”, ông Phan Dũng Khánh nói.
Chọn nhóm ngành ưu tiên
Chứng khoán có cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi NĐT không lựa chọn đúng CP sinh lời. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để giảm thiểu rủi ro thì NĐT vẫn nên dành nhiều quan tâm cho những công ty có quy mô lớn, đang dẫn đầu hoặc có triển vọng dẫn đầu của một ngành. Bởi những doanh nghiệp này vẫn luôn hoạt động ổn định và CP có giá trị cao, đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên sẽ ít bị gặp phải những yếu tố bất thường.
Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh dự báo, nhóm ngành bất động sản có thể thay thế nhóm ngành dầu khí trong thời gian tới để trở thành nhóm mang tính dẫn dắt theo xu hướng tăng trên thị trường. Nhưng không phải CP nào cũng tăng, mà ước chỉ khoảng 50% số CP ngành bất động sản, xây dựng trên hai sàn có khả năng gia tăng. Đứng tiếp theo sẽ là ngành vận tải và thủy sản khi giá dầu giảm, kinh tế dần phục hồi giúp nhu cầu của thị trường gia tăng nên các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.
>> Đầu tuần, VN-Index tăng, HNX-Index giảm
>> VN-Index giảm nhẹ, HNX-Index phục hồi
>> VN-Index tăng, HNX-Index giảm
Bình luận (0)