Mỹ - Trung và chuyện “rừng nào cọp nấy”

11/11/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Các nước có thể chọn “ngồi chung con tàu” với Trung Quốc hay chấp nhận bị bỏ lại phía sau. Khi lên “con tàu” của Trung Quốc, phải chấp nhận luật chơi và chấp nhận vị thế trung tâm của Bắc Kinh, mà ở đó không có "cửa" cho Mỹ.

>> Trung Quốc đang 'lobby' thành công cho các chiến lược tại APEC
>> Trung Quốc muốn gì ở APEC?

Trong khi Mỹ đang tích cực kéo Trung Quốc lại gần mình, có vẻ Bắc Kinh không để điều ấy xảy ra. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói thẳng trong “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương” của mình.

Tân Hoa Xã sáng 11.11 đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ tặng cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 10 triệu USD, trong lúc các cuộc họp tại hội nghị này vẫn đang diễn ra. Số tiền trên được dùng để “phát triển thể chế” và “nâng cao năng lực (thực thi/quản lý pháp luật) của các thành viên. Thêm một lần nữa, Bắc Kinh tỏ ra hào phóng và chứng tỏ sức mạnh kinh tế cũng như vị thế trung tâm tại APEC.

Thế khó của ông Obama

Trước cuộc họp các lãnh đạo kinh tế APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết nước Mỹ “rất hoan nghênh sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định của Trung Quốc”. Đồng thời, ông Obama khẳng định mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh không phải là “một cuộc chơi thiệt – hơn” (zero-sum game).

Trong một diễn biến tích cực, ông Obama chứng tỏ thiện chí bằng cách đề nghị thỏa thuận gia hạn thị thực cho du khách Trung Quốc trong vòng 10 năm.

 

Ông Obama (giữa) đang gặp thế khó tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Theo Global Times, năm ngoái Mỹ đón 1,8 triệu du khách từ Trung Quốc. Ông Obama công bố số lượng kể trên mang lại cho Mỹ 21 tỉ USD, tạo ra 100.000 việc làm.

“Thỏa thuận này có thể giúp chúng ta đạt hiệu quả giao lưu gấp 4 lần con số ấy. Đó sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại lợi ích kinh tế cho hai nước, đưa người Mỹ và người Trung Quốc đến gần nhau hơn” – ông Obama nói.

Mặc dù vậy, ông Obama – đang thất thế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, lại không thể tránh khỏi sức ép từ dư luận nước mình. Người Mỹ và các đảng đối lập yêu cầu Obama phải nói chuyện rõ ràng với Trung Quốc xung quanh vấn đề nhân quyền.

Global Times dẫn lời ông Obama nói tiếp: “Chúng tôi kỳ vọng vào một sân chơi bình đẳng từ Trung Quốc, qua đó giúp các công ty nước ngoài được đối xử công bằng. Chúng tôi cho rằng Trung Quốc nên như vậy vì lợi ích của sự tăng trưởng bền vững của họ cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Thông điệp người Mỹ muốn ông Obama nói với Trung Quốc lúc này, là đòi hỏi về nhân quyền, bên cạnh việc hợp tác chống dịch bệnh, khủng bố trên thế giới. Phải làm sao vừa “đấm” vừa “xoa” được Trung Quốc trong lúc này khi mọi kết quả đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc ghế của ông Obama.

Trung Quốc muốn “rừng nào cọp nấy”

Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn bị đánh giá căng thẳng. Trang The Diplomat khẳng định Trung Quốc đang làm mọi cách để ngăn chặn sức ảnh hưởng của Mỹ vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. APEC lần này tổ chức tại Bắc Kinh là dịp tốt nhất để ông Tập Cận Bình nói lên điều ấy.

Trước khi APEC diễn ra, Tân Hoa Xã có bài viết gây chú ý lớn, nói về “Giấc mơ châu Á – Thái Bình Dương”. Đó là một cách diễn đạt tương tự như câu khẩu hiệu nổi tiếng “Giấc mơ Trung Quốc” mà ông Tập hay dùng, theo The Diplomat.

 

“Giấc mơ châu Á – Thái Binh Dương” của ông Tập (phải) sẽ không có chỗ cho Mỹ - Ảnh: Reuters

“Giâc mơ châu Á – Thái Bình Dương” theo đó mang một thông điệp rất rõ ràng: Châu Á – Thái Bình Dương là của người châu Á – Thái Bình Dương”. Dĩ nhiên trong đó sẽ không có chỗ cho Mỹ hay bất cứ ai khác ngoài khu vực tham gia.

Hồi tháng 5 năm nay, Trung Quốc cũng tổ chức Hội nghị bàn về các biện pháp tương tác và xây dựng niềm tin châu Á (CICA). Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, tầm nhìn của khu vực này là phải “hành động theo tinh thần của người trong cuộc”.
 
Tại APEC lần này, Trung Quốc đã thành công bước đầu trong kế hoạch xây dựng Khu vực tự do kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), đây là một đối trọng thực sự với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ.

Từ những sáng kiến xây dựng FTAAP, chi 40 tỉ USD cho Con đường Tơ lụa mới trên bộ và  biển ở Thế kỷ 21, cho đến việc nhỏ nhất là bỏ 10 triệu USD cho APEC kỳ này... Trung Quốc trước sau vẫn khẳng định mình đang hành động như một đàn anh của khu vực.

Trong cuộc họp đầu tiên của các CEO tại APEC kỳ này, ông Tập đã nhấn mạnh: Các nước có thể chọn việc có “ngồi chung con tàu” (Get on board) với Trung Quốc hay chấp nhận bị bỏ lại phía sau (left behind), Tân Hoa Xã viết.

Rõ ràng, đó là một “con tàu” của Trung Quốc, và những ai ngồi trên đó phải chấp nhận chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, chấp nhận luật chơi và chấp nhận vị thế trung tâm của Trung Quốc, The Diplomat khẳng định.

Nhật Đăng

>> Trung Quốc ủng hộ 10 triệu USD cho quỹ APEC
>> Căng thẳng địa chính trị tại APEC
>> Ông Tập Cận Bình trấn an doanh nghiệp APEC
>> 5 điều Obama nên làm trong chuyến công du châu Á
>> Obama thúc đẩy TPP cạnh tranh với FTAAP của Tập Cận Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.