Nga nỗ lực trở lại Thái Bình Dương

15/11/2014 09:05 GMT+7

Nga đang ra sức thiết lập lại sự có mặt ở châu Á - Thái Bình Dương sau một thời gian dài gần như vắng bóng.

 Tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga - Ảnh: Sputnik News
Tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga - Ảnh: Sputnik News

Trang tin USNI News tuần trước đưa tin tàu tuần dương Moscow của Nga sẽ tiến hành diễn tập phòng không với “tên lửa, đạn pháo và ngư lôi” tại biển Đông. Địa điểm, thời điểm cụ thể và đối tác tham gia diễn tập cùng tàu này chưa được tiết lộ. Ngoài ra, dư luận Úc cũng đang xôn xao trước tin 4 tàu chiến Nga đang tiến gần nước này.

Theo tờ Sydney Morning Herald, tuần dương hạm Varyag, khu trục hạm Shaposnikov và 2 tàu khác thuộc hạm đội Thái Bình Dương đang đi vào vùng biển San hô gần Úc. Tuy thừa nhận nhóm tàu trên vẫn ở trong vùng biển quốc tế và không vi phạm quy định nào nhưng hải quân Úc vẫn đang theo dõi sát sao hoạt động của tàu Nga. Những diễn biến trên được giới quan sát đánh giá là bằng chứng cho thấy Nga đang trên đường trở lại Thái Bình Dương sau một thời gian dài “bỏ trống”.

Mối quan tâm lâu đời

Theo chuyên trang Global Security, ngay từ thế kỷ 18, Nga đã chú trọng đến châu Á - Thái Bình Dương khi Sa hoàng mở rộng lãnh thổ sang vùng Viễn Đông. Hải quân Nga lúc đó bắt đầu tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương, nhiều lần tiếp xúc lẫn đụng độ với các thế lực khác trong khu vực. Tuy nhiên, các suy tính chiến lược của đế quốc Nga tại đây bị giáng một đòn nặng khi cả hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội Baltic đều thảm bại trước hải quân Nhật trong chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905). Vì thế, mãi đến khi Liên Xô thực hiện chính sách mở rộng hàng hải trong các thập niên 1960 và 1970, Thái Bình Dương mới lại trở thành một trọng tâm trong chiến lược địa chính trị của Moscow. Năm 1979, Liên Xô thuê căn cứ Cam Ranh của VN và nơi đây trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của nước này bên ngoài lãnh thổ liên bang. Khi đó, Liên Xô vừa muốn tạo đối trọng với sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực, vừa muốn “canh chừng” Trung Quốc, theo Global Security. Tuy nhiên, đến năm 2002, Nga trao trả khu liên hợp quân cảng Cam Ranh cho VN và bắt đầu chuyển trọng tâm chiến lược sang phía tây trong cuộc giằng co với NATO trong không gian hậu Xô viết ở châu Âu. 

Tình hình bắt đầu thay đổi khi Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gia tăng ảnh hưởng, gây quan ngại khiến tình hình địa chiến lược và an ninh khu vực có nhiều biến chuyển. Hồi tháng 2.2014, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu bất ngờ tuyên bố Moscow đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự lâu dài ở Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hợp tác với một số quốc gia. Trong số những nước mà ông Shoigu đề cập có VN và Singapore. Do bối cảnh hiện nay đã khác xa trước đây nên giới chuyên gia nhận định Nga sẽ khó lập căn cứ lâu dài theo kiểu truyền thống ở nước ngoài mà thay bằng tăng cường trao đổi an ninh - quốc phòng, gia tăng các chuyến thăm của tàu chiến, đồn trú ngắn ngày, hợp tác trong việc sửa chữa, bảo trì hay tiếp liệu cho tàu hải quân.

Tìm lại vị thế

Trên thực tế, ngay từ năm ngoái, Nga đã bắt đầu tái khẳng định sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ và các nước khác. Theo trang tin Sputnik News, quân đội nước này hồi tháng 7.2013 đã tiến hành một cuộc diễn tập lớn tại quân khu Đông, quy tụ 160.000 lính, 1.000 xe tăng và thiết giáp, 130 máy bay chiến đấu cùng nhiều tàu chiến thuộc hạm đội Thái Bình Dương. Giới quan sát coi đây là tín hiệu gửi đến các bên khác về sự trở lại của Nga.

Trong bài viết đăng trên trang tin Russia Direct, chuyên gia Nga Petr Topychkanov nhận định châu Á - Thái Bình Dương thu hút sự quan tâm của cả Nga lẫn Mỹ, chủ yếu bởi các động thái của Trung Quốc và những biến động đang ảnh hưởng đến khu vực chiến lược này. Bất kỳ sự leo thang xung đột hay gián đoạn quan hệ kinh tế - thương mại đều không có lợi cho Nga. Còn theo chuyên gia Baladas Ghosal thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột ở New Delhi (Ấn Độ), tuy quan hệ Nga - Trung đang trong giai đoạn hết sức tốt đẹp nhưng Moscow vẫn có nhiều lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh và nguy cơ Nga trở thành “đối tác cấp thấp” trong cặp quan hệ này.

Chuyên trang Foreign Policy nhận định Nga không muốn thấy một nước Trung Quốc bá quyền cũng như không thích một nước Mỹ theo chủ thuyết thế giới đơn cực. Moscow cũng lo ngại về bất cứ sự liên kết nào có thể cô lập Nga, chẳng hạn như “mô hình quan hệ cường quốc kiểu mới” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12.11 vừa qua. Vì thế, chính sách trở lại Thái Bình Dương càng có ý nghĩa quan trọng, giúp Nga tìm lại vị thế không thua kém ai ở khu vực chiến lược bậc nhất thế giới này.

Hạm đội Thái Bình Dương

Hạm đội Thái Bình Dương đặt bản doanh tại Vladivostok, là một trong những lực lượng trụ cột của quân đội và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kỳ hạm của hạm đội này là tàu tuần dương Variag thuộc lớp Slava, có độ choán nước 11.490 tấn. Tàu được trang bị các tên lửa đối hạm P-500 Bazalt, tên lửa đối không tầm xa S-300PMU Favorit, pháo công dụng kép OSA-MA (SA-N-4 Gecko). Bên cạnh đó là 5 khu trục hạm thuộc lớp Udaloy mang nhiều vũ khí lợi hại như tên lửa chống ngầm SS-N-14, tên lửa đối không SA-N-9, súng phóng tên lửa chống ngầm RBU-6000... Ngoài ra, hạm đội Thái Bình Dương còn sở hữu nhiều tàu chiến khác cùng tàu đổ bộ, tàu hỗ trợ, tàu tiếp liệu, hơn 20 tàu ngầm và hàng trăm máy bay.

Trùng Quang

>> Nga tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương
>> Mỹ muốn tăng hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương
>> Cuộc đua tàu chiến làm nóng châu Á - Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.