(TNO) Đoàn thể thao Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) 2014 với việc đoạt 2 huy chương bạc và 6 huy chương đồng ở môn võ Jujitsu (Nhu thuật).
>> Việt Nam nhận cờ đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016
>> Sôi động bóng đá bãi biển
>> VN đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016
|
Hôm nay, 14.11, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2014 mới chính thức khai mạc, nhưng từ 2 ngày trước bộ môn Jujitsu đã diễn ra những cuộc thi căng thẳng.
Ở hạng cân 60 kg nữ, võ sĩ Nguyễn Thị Hương vượt qua đối thủ Khan Beenish (Pakistan) ở tứ kết với điểm số sát nút 4,1 - 4,0. Tiếp đà hưng phấn, nữ vận động viên sinh năm 1996 đánh bại Hassan Shafaa (UAE) với cách biệt 13-4 để lọt vào trận tranh huy chương vàng. Đáng tiếc, ở trận chung kết Nguyễn Thị Hương lại thua dễ Battsogt Buyandelger của Mông Cổ nên đành nhận huy chương bạc.
Tiếp theo đó, ở trận chung kết hạng cân 50 kg nữ, Đào Lê Thu Trang cũng để thua Masuda Maybelline (Philippines) với tỷ số 0-15. Trong khi đó, Võ sĩ Thu Trang đã giành 2 tấm huy chương đồng nội dung đôi nữ và hỗn hợp nam nữ.
Sau hai ngày tranh tài đầu tiên Đại hội, đoàn Việt Nam xếp thứ 10, với 2 huy chương bạc và 6 huy chương đồng.
ABG 2014 chính thức diễn ra từ ngày 14 đến 23.11 tại thành phố du lịch Phuket, Thái Lan với sự tham gia của khoảng 3.500 vận động viên đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ.
|
Đoàn thể thao Việt Nam dự Đại hội năm nay với 138 vận động viên - thi đấu trọn 18 thi chính thức: bơi đường dài, điền kinh. kurash, bi sắt, cầu mây, bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, thể hình, vật... Đại hội thể bao biển châu Á 2012 tại thành phố Hải Dương (Trung Quốc), đoàn Việt Nam đứng thứ 12 với hai HC bạc, một HC đồng.
Cũng xin nói thêm về bộ môn Jujitsu, đây là môn võ xuất xứ từ Nhật Bản, còn có tên gọi khác là Jiu-Jitsu hay Nhu thuật. Môn võ này xuất nguồn từ giai cấp võ sĩ samurai xưa ở Nhật Bản dùng tay không để tự vệ và chống cự lại đối thủ có võ trang hay không võ trang. Jujitsu được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản từ năm 1920 của thế kỷ trước.
|
Vì các samurai nhận thấy rằng phương pháp đấm đá của các bộ môn võ khác không có hiệu nghiệm khi chống lại địch thủ mặc áo giáp, họ phát minh ra phương pháp dùng quật ngã, đè, siết cổ, khóa tay, khóa chân… để kháng cự địch thủ. Những phương pháp này nói chung là dựa trên lý thuyết dùng sức công của đối phương để kềm chế địch thủ, thay vì chống trả trực tiếp.
Nhu thuật có rất nhiều phương pháp khác nhau, vì thế từ nó đã nảy sinh ra nhiều môn phái khác nhau. Nhu Đạo (Judo) là môn võ nổi tiếng nhất được bắt nguồn từ Nhu thuật. Đây còn là một môn võ được coi là tổng hợp các tinh hoa của võ thuật phương Đông vì nó bao gồm cả các cách tấn công như: vật, khóa, đè, đấm, đá, điểm huyệt, đánh vào quan tiết... Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm và tàn bạo của nó mà ngày nay, môn võ này rất ít được lưu truyền.
Bảo Nghi
Bình luận (0)