Đánh giá về tình hình biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở biển Đông.
Theo các học giả, sự gia tăng căng thẳng gần đây tại biển Đông không chỉ có khả năng tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển tại khu vực mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông.
Về vấn đề này, có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp vì tin rằng chừng nào chưa có đối đầu trực diện thì tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì biển Đông còn thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử hoặc một Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.
Tuy nhiên, các học giả cũng nhận định rằng, bên cạnh các yếu tố làm phức tạp thêm tình hình khu vực, có hai yếu tố giúp thúc đẩy hợp tác tại biển Đông mà các bên cần phát huy là: nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế bao gồm việc đảm bảo năng lượng, quản lý và phát triển các nguồn hải sản; bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường vận tải biển quốc tế.
|
Cựu chuẩn đô đốc Kazumine Akimoto, Quỹ nghiên cứu chính sách hải dương - Nhật Bản cho rằng: “Nếu sự lưu thông trên các tuyến đường biển quan trọng bị gián đoạn thì hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của các nước trong khu vực giống như động mạch chính phân bổ vật chất để duy trì sự phát triển của nền kinh tế”.
Điều được nhiều học giả đặc biệt quan tâm, chia sẻ, đánh giá cao và mong muốn sớm triển khai chính là thiết lập “đường dây nóng” giữa các bên ở biển Đông. Các đại biểu cũng góp ý thẳng thắn và đề xuất giải pháp, về cơ chế hoạt động của “đường dây nóng” là phải quy định cụ thể bằng quy chế ràng buộc sử dụng “đường dây nóng” thông qua quy trình liên lạc, xử lý thông tin giữa người gọi và người nhận; thiết lập cơ chế “trực đường dây nóng” và các kênh kết nối “đường dây nóng” giữa các lực lượng khác nhau có mặt trên thực địa...
Hữu Trà
>> Xu hướng 'nguyên trạng' trên biển Đông đang bị thay đổi
>> Khai mạc hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 6
>> Trung Quốc đã từ bỏ 'chiến lược kiềm chế' ở biển Đông
>> Doanh nhân VN tại Úc gửi thư về biển Đông cho G20
>> Mỹ, Nhật mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông
Bình luận (0)