Loạn giá tôn lợp - Kỳ 2: Những chiêu trò qua mặt khách hàng

20/11/2014 04:13 GMT+7

Các chủ cơ sở kinh doanh tôn có quá nhiều chiêu trò qua mặt người tiêu dùng mà khách hàng bình thường không dễ gì phát hiện.

Tôn thiếu dem 0,26 mm thay vì 0,3 mm
Tôn thiếu dem 0,26 mm thay vì 0,3 mm - Ảnh: Hà An

Tôn giá rẻ dập giả thương hiệu tôn nhà máy
Tôn giá rẻ dập giả thương hiệu tôn nhà máy - Ảnh: Nam Anh


Từ tôn thiếu dem...

Tại xã Tân Tiến, H.Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), cửa hàng tôn Như Phương là một địa chỉ cung cấp tôn lớn nhất nhì vùng, công ty này buôn bán đủ các loại tôn hiện có trên thị trường. Khi biết chúng tôi có nhu cầu mua tôn mạ một lớp cho các dự án trong khu công nghiệp, bà Như chủ cửa hàng tôn Như Phương khuyên nên mua loại tôn liên doanh với Đài Loan, Hàn Quốc... giá không những rẻ mà còn có cả tôn “âm”. Tôn “âm” theo bà Như giải thích là tôn thiếu dem (dem - chỉ độ dày của tôn), tôn khi sản xuất ra được cán mỏng hơn so với đơn đặt hàng, quy định in trên thân tôn. Chẳng hạn, trên thân tôn in độ dày là 0,4 mm, nhưng thực tế, dem của tôn chỉ đạt 0,3 mm. Phần tiền “âm” từ loại tôn này, tất nhiên chúng tôi sẽ là người được hưởng.

 

Nhận được tin báo hàng giả, ngày 17.11, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh tôn Yên Mai. Theo ông Phạm Huy Trọng - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, quản lý thị trường phát hiện 2 cuộn tôn, trọng lượng khoảng 2 tấn không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Hiện quản lý thị trường đang tạm giữ để chờ xử lý theo đúng quy định. Ông Trọng cho biết thêm, cửa hàng tôn Yên Mai chủ yếu kinh doanh tôn nhập từ nước ngoài và không đăng ký kinh doanh mặt hàng tôn Hoa Sen.

Để thuyết phục, bà Như làm một phép tính đơn giản: một cuộn tôn liên doanh dài 2.000 m, dem 0,37 mm, bán với giá 65.000 đồng/m. Nếu đặt dem tôn là 0,3 mm, mỗi mét tôn sẽ có lãi gần 13.000 đồng. Tính cả cuộn 2.000 m, chủ thầu sẽ bỏ túi được ngót nghét 26 triệu đồng.

Tại cửa hàng kinh doanh tôn Yên Mai có trụ sở tại khu vực thị trấn Chờ (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), chúng tôi cũng được chủ cửa hàng chào mời mua tôn “âm”. Cụ thể, khi mua 12 tấm tôn Hoa Sen loại dem 0,3 mm nhưng thực tế độ dày chỉ là 0,26 mm. Như vậy, với 12 tấm tôn tương đương 51,84 m2, giá 3,3 triệu đồng (63.000 đồng/m2), chủ cửa hàng tôn Yên Mai đã ăn bớt 283.000 đồng.

Nguyễn Bá Chung (38 tuổi, ngụ ở TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), một chủ thầu xây dựng có tiếng trên địa bàn TP.Vĩnh Yên, cho biết: “Do độ dày của tôn được tính bằng milimet, nên người tiêu dùng không dễ kiểm tra đúng, đủ hay không vì phải có thước đo độ dày chuyên dụng, chứ không thể dùng cân thông thường”. Chung cho biết thêm: Để làm ăn có lãi, các cửa hàng, các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng thường độn tôn “âm” vào bán cho khách hàng, hoặc bán buôn cho những nhà thầu, chủ xây dựng... theo đơn đặt hàng trước đó. Để tránh bị phát hiện, các cơ sở kinh doanh loại tôn kiểu này thường chỉ trưng hàng chuẩn, đúng dem. “Nếu khách hàng không quen biết đến hỏi mua thì chủ cơ sở lập tức đưa ra tôn nhà máy. Nhưng tới khi tính tiền hàng xong xuôi đâu đấy, họ nói mình về trước, đợi tới chiều hoặc sáng hôm sau sẽ cho xe đưa tôn tới tận công trình. Và trong khoảng thời gian này, họ cho nhân viên đi lấy tôn thiếu dem pha cắt theo yêu cầu ghi trong hợp đồng mua bán, trước khi đem giao cho mình”.

... tới tôn Trung Quốc dập tem tôn nhà máy

Không chỉ "đôn" dem, nhiều cửa hàng, công ty kinh doanh tôn còn sẵn sàng dùng hàng chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhái các thương hiệu nổi tiếng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nguyễn Văn Tùng (42 tuổi, ngụ ở TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), một ông chủ cai thầu xây dựng có tiếng ở vùng quê Kinh Bắc nói: “Hiện giờ ở các cơ sở kinh doanh tôn, ngoài máy ép sóng, họ còn đầu tư thêm máy dập chữ để in tên những loại tôn nổi tiếng lên tôn chất lượng kém, giá thành rẻ”. Vẫn theo chủ cai thầu này, tôn chất lượng kém nhập lậu từ Trung Quốc, được nhập theo cuộn, sau đó phân phối tới các cơ sở kinh doanh. Khi có khách mua, dựa vào từng yêu cầu cụ thể, chủ cơ sở sẽ dùng máy dập để in tên, thương hiệu tôn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, loại tôn này có dấu hiệu bị phai màu và bắt đầu han gỉ.

Ngày 7.11, phóng viên Thanh Niên nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Lịch, 58 tuổi, thị trấn Chờ, H.Yên Phong, Bắc Ninh về việc nghi ngờ mua phải tôn Hoa Sen giả. Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận 51 m2 tôn được mua tại Công ty Yên Mai, thị trấn Chờ (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), với giá 63.000 đồng/m2 (rẻ hơn 7.000 đồng so với giá niêm yết của tôn Hoa Sen). Trên từng tấm tôn được cửa hàng tôn Yên Mai bán ra với khổ chiều dài 4 m, đều có dập dòng chữ “TON HOA SEN TON LANH MAU AZ IS09001200 TML12100954 0.30X1200MM”. Nhưng chữ nhòe, có dấu hiệu của việc tẩy xóa; phần mép, đuôi của những tấm tôn đã bắt đầu han gỉ.

Liên hệ với Nhà máy tôn Hoa Sen, gửi mẫu nhờ xác nhận tình trạng tôn mà bà Lịch mua, thì được trả lời: mẫu tôn đó là tôn nhái Hoa Sen. Theo đại diện tôn Hoa Sen: trên mặt dưới của sản phẩm tôn lạnh màu mang thương hiệu Hoa Sen chính hãng, khi xuất ra thị trường đều có in số mét đầu tiên, kế đó mới là dòng chữ “TON HOA SEN”, rồi tới “THUONG HIEU QUOC GIA”. Vẫn theo đại diện từ phía Nhà máy tôn Hoa Sen, tôn lạnh màu Hoa Sen chỉ sử dụng ISO 9001 - 2008 và ISO 14001 - 2004, chứ không hề áp dụng theo tiêu chuẩn IS0 9001 - 2000 như tôn Công ty Yên Mai bán ra. Chưa hết, khoảng cách giữa các dòng chữ mang thương hiệu được in trên mỗi tấm tôn lạnh Hoa Sen là 4 m. Trong khi đó, khoảng cách giữa các dòng chữ in trên toàn bộ số lượng tôn “Hoa Sen” mà Công ty Yên Mai bán cho bà Lịch chỉ là 1,6 m, đồng thời khi dùng thước đo độ dày tôn chuyên dụng chỉ cho hiển thị thông số 0,26 mm, thay vì phải là 0,3 mm như đã được in trên tôn.

Hà An

>> Loạn giá tôn lợp
>> Tặng tôn lợp nhà và quà cho người nghèo
>> Tặng tôn lợp nhà cho hộ nghèo
>> Tôn lợp nhà về với thôn xóm vùng bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.