Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 5: Oan giết vua

21/11/2014 09:15 GMT+7

Tạp chí Phổ Thông số 62 ra ngày 1.8.1961 (xuất bản ở Sài Gòn) đăng bài viết của ông Nguyễn Thượng Khánh nhan đề Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân Công chúa.

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 4: Nỗi oan thất thân với vua Gia Long
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên

Hoàng hậu Ngọc Hân và vua Quang Trung (Tranh Vi Vi - Nguồn: Văn hóa Việt - e-cadao.com) d
Hoàng hậu Ngọc Hân và vua Quang Trung (Tranh Vi Vi - Nguồn: Văn hóa Việt - e-cadao.com) 

Điều đáng nói là tác giả thuật lại lời kể của một người đã mất hoàn toàn không có cứ liệu. Dù vậy vẫn làm dấy lên nghi án và Bắc cung Hoàng hậu chịu thêm một nỗi oan...

Như bài trước chúng tôi đã đề cập, bà Ngọc Hân bị cho là “người lấy hai vua” là do sự nhầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình - công chúa con vua Lê Hiển Tông, em cùng cha khác mẹ với công chúa Lê Ngọc Hân.

Năm 1795, sau khi Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị Đô đốc Võ Văn Dũng đánh đổ, vị trí bà Ngọc Hân bấy giờ mới có ảnh hưởng ít nhiều với vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) nên việc làm mối em gái của mình cho vua mới thành. Năm đó, Ngọc Bình 12 tuổi, được phong làm chính cung hoàng hậu, ở trong cung 6 năm nhưng chưa có con.

Tháng 5.1801, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua tôi Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình kẹt lại Phú Xuân. Gặp Bình, Nguyễn Ánh mê đắm. Mặc cho Lê Văn Duyệt và các cận thần nhà Nguyễn kịch liệt phản đối, cho là lấy thừa vợ của vua ngụy, nhưng vua Gia Long bất chấp. Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được phong làm Đệ tam cung Đức Phi. Sau này sử triều Nguyễn chép là Đức phi họ Lê.

Đức phi sinh cho vua Gia Long 4 người con. Hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; Hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Cũng như chị mình, yểu mệnh, Đức phi mất lúc 27 tuổi.

Chuyện có thật về người này trở thành nghi án của người kia lấy hai vua là vậy.

Hạ độc vì... ghen ?

Trong bài viết trên Phổ Thông, ông Thượng Khánh nói ông nội của mình là con trai của hoàng tử Lê Duy Mật và ông là cháu gọi Ngọc Hân bằng cô ruột (nếu theo thứ phả thì công chúa Ngọc Hân phải gọi ông bằng cụ chứ không phải ông gọi Ngọc Hân bằng cô - học giả Quách Tấn đã chỉ ra điểm sai này); những gì ông kể lại trong bài viết, là do ông nội ông kể lại cho ông.

Theo ông Khánh, động cơ để Lê Ngọc Hân giết chồng bắt nguồn từ việc hoàng đế Càn Long (Trung Quốc) hứa gả một người con gái của mình cho Quang Trung và “trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho Quang Trung uống”. Vì, “Khi nghe tin vua Quang Trung cầu hôn với công chúa con vua Càn Long, thì công chúa Ngọc Hân vùng lên một ý nghĩ táo bạo...”

Nhiều nhà nghiên cứu sau này dẫn lại, vào lúc đó, các tạp chí ở Sài Gòn như Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Ðàn... đã mở ra một cuộc bút chiến chung quanh nghi án lịch sử này. Chung quy, các tác giả bằng những luận cứ lịch sử đã phản bác “những lời lẽ mang tính chất hàm hồ và những ngụy biện vô căn cứ của ông Nguyễn Thượng Khánh”. Không chỉ thế, một số tộc phổ, phổ ý của các họ nội, họ ngoại phía Ngọc Hân đưa ra để làm bằng chứng và cũng vạch ra những sai lầm mà ông Nguyễn Thượng Khánh đã công bố.

Về cái chết của vua Quang Trung, các sử gia cũng đã ghi chú ngày, tháng, năm vua mất, không có một dòng nào nói đến việc vua bị đầu độc. (Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà. Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý" (1792). Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà". 

Nhà thơ Quách Tấn, một học giả uyên thâm, trong bài viết Ngọc Hân công chúa chưa hết chịu tiếng oan này đến chịu tiếng oan khác cũng đã chứng minh những điều ông Khánh viết ra hoàn toàn không có căn cứ, suy diễn vô tội vạ và sai lệch với lịch sử.

Một đoạn trong bài nói trên, ông Thượng Khánh viết: “Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên mặt của Ngọc Hân. Vương hân hoan nâng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dở bữa cơm, tiến lại, ngã lưng trên long sàng và giãy dụa một lúc rồi tắt thở luôn”.

Quách Tấn bình: “Đọc những lời ông Thượng Khánh, chắc các bạn cũng như tôi đều có cảm giác thuật giả đã ở một bên vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa nên mới biết rành rõi từng cử chỉ, từng hành động của hai người mới thuật lại tỉ mỉ như vậy”.

Sau khi dẫn ra nhiều cứ liệu lịch sử và lập luận xác đáng, học giả Quách Tấn kết luận: “Những điểm sai lầm này cho chúng ta thấy rõ rằng, đến những việc sử sách chép sờ sờ ra đó mà ông Thượng Khánh còn nói sai, huống hồ những việc trong thâm cung mà từ xưa không có sách nào chép, không nghe ai nói”.

Trong quyển Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, được sự đồng ý và giúp đỡ của ông Quách Giao - con trai trưởng nhà thơ Quách Tấn, đưa vào tập sách 3 bài viết rất giá trị của học giả Quách Tấn viết về công chúa Ngọc Hân. Đây là nguồn tư liệu quý giúp hậu thế hiểu rõ hơn về một công chúa tài sắc vẹn toàn, có mỹ danh là Chúa Tiên.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.