|
Rắn khổng lồ dâng long đao
Tìm đến miếu xà không khó. Bởi nó ở sát bên quốc lộ 19. Bên phải miếu là hình con hổ, bên trái là tấm bia to ghi miếu xà “thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo, căn cứ địa buổi đầu của phong trào nông dân Tây Sơn (1771 - 1773). Đây là nơi Nguyễn Nhạc đã chém rắn lấy máu tế cờ khi xuất quân xuống đồng bằng”. Nóc miếu tạc 2 con rồng (có thể là rắn), còn bên trong là gian thờ. Phía đông là nơi người dân địa phương làm nơi sinh hoạt ngày lễ hội của miếu. Phía sau có 2 cây cầy to vươn lên trời quấn quýt nhau.
Ông Phan Thanh Hồng (hay còn gọi là Sáu Hồng, 84 tuổi), người từng tế lễ cúng miếu xà từ năm 2010 đến 2012, bảo miếu xà có 2 giai thoại. Ấy là khi đoàn quân của vua Quang Trung tiến về đồng bằng, đến đây gặp một con mãng xà miệng há to đỏ như máu nằm cản đường quân. Nghe tiền quân phi báo, vua Quang Trung đến khấn rằng nếu để cho quân ta đi đánh giặc thắng, thì xin xà thần lui cho quân tiến lên. Rắn nghe nói đã quay đầu bỏ đi. Đoàn quân tiếp tục đi một đoạn nữa thì thấy con mãng xà ấy miệng ngậm thanh long đao có cán màu đen tuyền đưa lên trao vua Quang Trung. Khi đó, vua Quang Trung làm lễ thượng cờ trên một cây ké rồi xuất quân. Mỗi khi ra trận, vua thường dùng cây long đao có cán đen tuyền và người đời cho đó là long đao của mãng xà dâng cho. Về sau, khi thắng trận giòn giã, vua Quang Trung cho người về xây miếu xà thần. Vùng Tây Sơn thượng đạo về sau gọi cây ké treo cờ ngày đó là “cây ké phất cờ”, còn miếu xà thần nằm phía tây cách cây ké gần 1 km.
Giai thoại thứ 2 thì nói không phải vua Quang Trung mà là Nguyễn Nhạc tiến quân đến đây thấy rắn cản đường nên rút gươm chém chết và lấy máu tế cờ. Tuy nhiên, trò chuyện với người dân vùng xã Song An, các cụ già ở đây thích giai thoại thứ nhất hơn, bởi cho rằng quân Tây Sơn phất cờ vì nhân nghĩa, không phải quân lạm sát thấy đâu chém đó. Hơn nữa, theo họ, nếu mãng xà cản đường thì không thể làm miếu để “ghi ơn” được.
Một số cụ già cho biết, khi xây dựng miếu xà, vua Quang Trung có sắc phong hẳn hoi. Có điều khi vua Gia Long trả thù khốc liệt, người dân trong vùng đốt hết sắc phong và gọi trại miếu xà là miếu bà để tránh sự trả thù.
Vào khoảng năm 1961, chế độ Sài Gòn và lính Mỹ mở đường đã ủi mất miếu xà và cây ké phất cờ. Sau, các chủ nhà xe đi qua lại thấy linh thiêng nên góp tiền và xây lại miếu xà cách miếu cũ khoảng 1 km về phía tây.
Sau năm 1975, miếu xà bị phá phách hoang tàn, khu thờ chỉ có 4 cây cột dựng lên như nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Cách đây hơn 10 năm, người dân xã Song An góp tiền, của và đi quyên góp để xây dựng miếu xà khang trang như bây giờ. Hằng năm, cứ vào 20.2 âm lịch, dân vùng Thượng An 2, xã Song An lại góp tiền làm lễ cúng xà thần rất long trọng. Phía sau hương khói nghi ngút là tưởng nhớ vị vua Quang Trung lẫm liệt thuở nào...
Các giai thoại
Theo cụ bà Võ Thị Hường (84 tuổi, vợ ông Sáu Hồng), từ thời ông cố của bà đã lập nghiệp ở đây nên biết nhiều chuyện. Đó là ngày trước, vùng miếu xà cây cỏ rậm rạp, linh thiêng lắm. Người trong vùng đồn rằng có 2 con mãng xà hay lui về ở chốn này. Đàn bà đi một mình thì tuyệt đối không dám đi ngang qua, còn đàn ông vào quãng trưa đứng bóng và sẩm tối, ai bạo gan lắm mới dám đi qua miếu. “Hồi đó trong miếu còn thờ vỏ trấu to như bình uống trà. Sau quân Mỹ ủi đường, ủi cả miếu nên cái vỏ đó không còn”, bà Hường kể.
Ông Sáu Hồng còn khẳng định sau năm 1975 vẫn có một con rắn đen to như bắp vế đi về nằm trên cây cầy phía sau miếu xà. Sau đó, con rắn này bị bắn chết. Người ở đây đồn đại rằng, người bắn con rắn sau này bị bệnh nặng. Gia đình đó lo khấn vái, hứa sẽ làm một con rắn khác thế mạng mới khỏi bệnh. Thế nhưng, khi người ấy bớt bệnh không thực hiện lời hứa nên bệnh trở lại và chết. Hay chuyện có một nhóm người thu mua nông sản ở đây đã lấy miếu xà để nhốt gà, vịt và gia súc các loại. Chiều tối, những ai ở lại nhà gần miếu xà thấy đầu lâu ở đâu trong miếu quăng ra lăn lông lốc, ai nấy chạy tháo thân.
Có thể nói rằng, do quá tôn trọng di tích gắn liền với người anh hùng áo vải Quang Trung, nên người ở đây thêu dệt để cảnh báo những ai có ý nghĩ không đúng về chốn thờ cúng linh thiêng này.
Bị lãng quên Ông Sáu Hồng cũng cho hay tại xã Song An còn có các di tích khác của nghĩa quân Tây Sơn vùng thượng đạo. Đó là lò rèn vũ khí, Gò Kho cất lương thực, một phần hòn Ông Bình. Có điều đến nay, di tích lò rèn không còn nữa, còn Gò Kho người ta đã trồng bạch đàn gần chục năm nay. Hòn Ông Bình thì bị khách tìm trầm đào bới, chặt phá cây cối, đi ngang qua không dễ gì biết đây là di tích gắn với giai thoại vua Quang Trung từng luyện quân ở đây. |
Phạm Anh
>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch
>> Di sản văn hóa VN qua ảnh
>> Ngày Di sản văn hóa VN
>> Triển lãm di sản văn hóa dưới nước
Bình luận (0)