|
“Đây chỉ là sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật chứ chưa xảy ra tại nạn nghiêm trọng. Việc điều hành bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Do đó theo quy định không phải báo cáo cho ICAO”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam là phải tìm hướng khắc phục sự cố chứ không phải là báo cáo với ICAO.
Có hệ thống “bypass” hay không?
Dù ông Đỗ Hoàng Điệp, Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam khẳng định với PV Thanh Niên Online là hệ thống điện ở Trung tâm điều hành không lưu Tân Sơn Nhất có gắn thiết bị bypass (vượt qua) nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực điện phân vân về phát biểu này của ông Điệp.
Theo lý giải của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sự cố mất điện là do trưởng kíp trực, ông Lê Trí Tình đã thao tác sai. Khi có sự cố, ông Tình không ngắt thiết bị lưu điện (UPS) bị lỗi để cô lập khỏi hệ thống trước khi ngắt tải, dẫn đến khi nhấn nút ngắt tải (OFF) thì 2 UPS còn lại cũng sập theo. Đáng nói, trên thiết bị UPS đã dán chữ cảnh báo rất lớn và rõ ràng nhưng ông Tình vẫn thực hiện sai thao tác kỹ thuật.
Mặt khác, khi hệ thống UPS bị sập cũng không thể mất điện (do hệ thống điện lưới vẫn hoạt động bình thường), nhưng theo VATM, do nhân viên kỹ thuật đã xử lý luống cuống, không đóng lại điện lưới để khôi phục nguồn điện mà lại tiến hành sửa UPS dẫn đến mất điện. Chưa kể, sau khoảng 14 phút xảy ra sự cố, nhân viên mới tiến hành đóng lại điện lưới, nhưng trong quá trình này, kíp trưởng Lê Trí Tình lại có tác động can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại và hệ thống tiếp tục mất điện.
Một chuyên gia (xin giấu tên) lâu năm trong ngành điện cho biết trong trường hợp thao tác sai dẫn đến sập toàn bộ hệ thống điện, nhân viên chỉ mất vài giây để nhấn nút khởi động lại hệ thống điện. Ở đây việc thao tác sai dẫn đến cầu chì UPS dẫn đến hệ thống điện không thể chạy lại được.
“Trong trường hợp chết cả ba UPS thì đường bypass đâu. Bởi vì có đường này, khi có sự cố, đường bypass sẽ đưa điện trực tiếp từ điện lưới, máy phát điện tới thiết bị mà không cần thông qua UPS. Với những lý giải của Tổng công ty Quản lý bay, khi xảy ra sự cố, sau khi không khắc phục được, kịp trực phải đấu nối điện trực tiếp từ máy phát điện vào thiết bị, tôi có thể khẳng định hệ thống điện không có bypass”, vị này nói.
Ông Nguyễn Ngọc Lắm, Phó giám đốc Trung tâm điều hành mạng của Công ty cổ phần FPT Telecom, cho biết cho biết trong trường hợp UPS bị hỏng thì hệ thống bypass sẽ tự động không qua UPS mà lấy điện trực tiếp từ hệ thống điện lưới để chuyển tới thiết bị. Trong trường hợp bypass không được bật tự động, người trực chỉ mất 1-2 phút để khởi động hệ thống này.
Trả lời câu hỏi hệ thống điện ở Trung tâm điều hành không lưu có pybass hay không, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết hiện sự việc đang trong quá trình điều tra nên ông không thể trả lời chi tiết. “Câu trả lời sẽ có khi thanh tra xong”, ông Thanh nói.
Trung Hiếu
>> Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt vì mất điện: Điều tra, xử lý trách nhiệm
>> Mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: Do kíp trưởng thao tác kỹ thuật sai
>> Mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: ‘Nếu làm đúng quy trình, điện sẽ có lại sau 5 phút’
>> Vụ sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt vì mất điện: Đổ cho ‘thiết bị có lúc thế này thế khác’
>> Mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất: Không lưu Hà Nội điều hành bay
>> Mòn mỏi chờ người thân do mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất
Bình luận (0)