>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Từ hơn 30.000 tỉ xuống gần 800 tỉ đồng
>> Trình lại đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
|
Theo Nghị quyết này, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Nghị quyết cũng nêu rõ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa và đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định sách giáo khoa, Báo cáo tiếp thu và giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa là công việc khoa học, được thực hiện theo quy trình chặt chẽ và phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt. Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là định hướng đúng đắn nhưng cần có bước đi thận trọng, vững chắc, tránh những rủi ro có thể ảnh hướng tới quyền lợi của hàng chục triệu học sinh. Xã hội hóa, nhưng Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm, hạn chế tối đa những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra.
Để chủ động có được chương trình, sách giáo khoa đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình chung, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai Đề án là đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quản lý nhà nước về giáo dục.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ: Bộ Giáo dục - Đào tạo không trực tiếp biên soạn chương trình, sách giáo khoa mà chỉ chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện công tác này. Trên thực tế, chương trình và sách giáo khoa được biên soạn bởi tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục am hiểu về các lĩnh vực khoa học và khoa học giáo dục. Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế và giải pháp để huy động tốt nhất đội ngũ làm công tác này.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan, công bằng. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục - đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục với sự bàn bạc dân chủ của giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngăn ngừa tác động tiêu cực. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)