|
Gặp gỡ mùa thu, một sự kiện điện ảnh được đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc phối hợp Trung tâm hỗ trợ sản xuất văn hóa (A&C) tổ chức tại Hội An và Đà Nẵng từ 22 đến 29.11. Chương trình do Báo Thanh Niên bảo trợ thông tin.
Năm 2013, khi Học viện Điện ảnh Hàn Quốc (Korean Academy of Film Arts - KAFA) kỷ niệm 30 năm hoạt động thì tại Đà Nẵng, Gặp gỡ mùa thu mới lần đầu tiên ra mắt. Thế nên nó chưa thể có những tên tuổi tầm cỡ Bong Joon-hoo giúp bảo chứng cho chất lượng đào tạo của một tổ chức như cái cách mà người Hàn Quốc đang hưởng trái ngọt sau rất nhiều năm chăm chỉ vun xới. Chúng ta chỉ có duy nhất một câu chuyện nằm ở tương lai. Hãy nhìn hiện tại của điện ảnh Hàn Quốc để hình dung ra cái tương lai ấy.
|
Điện ảnh VN chủ động đi tìm tiếng nói cho mình
Nếu năm đầu tiên thành lập, Gặp gỡ mùa thu chỉ mới có một lớp học đạo diễn do đạo diễn Trần Anh Hùng đứng lớp thì năm nay, đã có thêm một lớp học quay phim do KAFA phụ trách mà một trong hai giảng viên của lớp học chính là D.O.P (đạo diễn hình ảnh) của phim The Host, thầy Kim Hyun-ku. Và nếu như năm ngoái tất cả thành viên của chương trình đều dồn lại ở chung trong một căn nhà cổ tại Hội An thì năm nay, không gian học tập đã được mở rộng tại làng Triêm Tây (Quảng Nam) nằm sát bên dòng sông Thu Bồn. Sở dĩ phải nhắc đến không gian học tập vì nó rất cần thiết cho việc thực hành của lớp học quay phim. Nguyễn Vinh Phúc - một học viên lớp quay phim, là con trai đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ: “Kiến thức được học ở đây không hoàn toàn mới mẻ, nhưng vì được các thầy chỉ dẫn trên chính đoạn phim vừa quay của mình nên mình sẽ nhanh chóng nhận ra vấn đề còn thiếu sót và những cái hay mà trước đấy mình chưa biết”.
Có một chuyện khá thú vị, khi Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council - KOFIC) hay KAFA mới được thành lập, nó cũng chẳng nhận được sự quan tâm của chính những người làm phim tại Hàn Quốc. Mất đến hàng chục năm, KAFA mới thoát khỏi thái độ thờ ơ của mọi người, và phải mất đến 15 năm, các nhà làm phim mới nhận ra tầm quan trọng của một tổ chức như KAFA. 15 năm, quãng thời gian đủ dài thử thách lòng kiên nhẫn, song ông Doh Dong-joon - Trưởng ban Hợp tác quốc tế của KAFA sau nụ cười tươi thì đã rất nghiêm túc: “Bất kỳ lĩnh lực nào cũng có thể mất tới vài năm mới gặt hái kết quả, mà điện ảnh thì càng không thể trong một thời gian ngắn thành công ngay được. Chúng tôi không mong ước gì hơn là thông qua sự giúp đỡ của chúng tôi, Gặp gỡ mùa thu sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị của mình”.
Ở Hàn Quốc có nhiều tổ chức nghệ thuật giống KAFA, lĩnh vực có thể khác nhưng mô hình thì khá giống nhau. Từ sau năm 1990, điện ảnh Hàn Quốc nói riêng, văn hóa Hàn Quốc nói chung đã thực sự làm một cuộc cách mạng. Tổng thống Hàn Quốc bấy giờ rất ủng hộ phát triển văn hóa. Ông Doh Dong-joon khẳng định, nguyên tắc của tổng thống nước họ lúc ấy là chi viện nhưng không can thiệp. Đây cũng là đường lối phát triển của văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc. Và “quả” của cái “nhân” đó là K-Pop, phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc…
Người đại diện của KAFA nói rằng, lý do khiến họ quyết định tham gia cùng Phan Đăng Di là vì họ thấy được nỗ lực rất lớn nơi anh. Tất cả những khó khăn lẫn lợi thế, cũng như sự nhiệt tình của học viên nơi đây đã khiến họ có một “gánh nặng” - theo đúng ngôn từ họ sử dụng, là suy nghĩ làm sao để giúp được các nhà làm phim trẻ tại VN nhiều hơn, rằng năm sau họ sẽ tiếp tục mở một lớp học quay phim hay làm việc ở hình thức khác. Vào buổi học thứ sáu, tại lớp học quay phim có một trò cá cược nho nhỏ. Một học viên của lớp và thầy giáo Lee Dooman đã thách thức nhau mỗi người sẽ quay một đoạn phim ngắn ở cùng bối cảnh để mọi người bình chọn. Hôm ấy, con đường rất nhỏ trong Triêm Tây đã trở thành một trường quay tuyệt vời giúp các bạn thực hiện dolly và sắp đặt ánh sáng theo ý của riêng mình. Trong điện ảnh, chúng ta có hai kiểu quay mà thoạt nhìn thì cảm giác nó hơi giống nhau, đấy là dolly và zoom. Ai đó từng nói, zoom là cách máy quay kéo nhân vật về phía mình còn dolly là cách máy quay chủ động tiến về phía nhân vật. Và tôi chợt thấy, Gặp gỡ mùa thu đích xác là cú máy dolly của anh học viên lớp quay phim kia, như chính cái tinh thần mà những người làm chương trình đặt ra: “Đã đến lúc điện ảnh VN chủ động đi tìm tiếng nói cho mình”.
KAFA, tổ chức thuộc KOFIC thành lập từ năm 1984, đã cống hiến cho điện ảnh Hàn rất nhiều người thành danh vang dội trong nước và quốc tế như: Bong Joon-hoo (đạo diễn của The Host, Mother, Snowpiercer...), Im Sang-soon (đạo diễn của A Good Lawyer’s Wife, The President’s Last Bang, The Housemaid...), Hur Jin-ho (đạo diễn của Christmas in August, April Snow, Dangerous Liaisons...), Kim Tae-yong (đạo diễn của Memento Mori, Family Ties, Late Autumn...) và hơn một trăm đạo diễn, quay phim, sản xuất, biên kịch. KAFA không phải là một trường điện ảnh đào tạo căn bản. Họ chỉ tuyển những người đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc để đào tạo chuyên sâu ở ba lĩnh vực: đạo diễn phim, quay phim và làm phim hoạt hình. KAFA cũng đặt ra tiêu chí rất rõ ràng cho các dự án. Họ nhấn mạnh đề cao cá tính. Họ hỗ trợ tài chính và hậu kỳ cho mỗi dự án được chọn. |
Ngân Vi
>> Khai giảng khóa học điện ảnh trong khuôn khổ 'Gặp gỡ mùa thu
>> Phim mới của Trần Anh Hùng
>> Học làm phim với Trần Anh Hùng
>> Đạo diễn Trần Anh Hùng: Ai ở VN bỏ tiền cho tôi làm phim, tôi làm ngay!
>> Danh thiếp ẩm thực Trần Anh Hùng
Bình luận (0)