(TNO) Rất nhiều người hâm mộ tỏ ra không đồng tình với quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc nâng giá vé ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia ngày 11.12.
>> Chủ tịch VFF: 'Tuyển Việt Nam cứ đá sướng mắt người hâm mộ thì… tiền sẽ đến
>> VFF tăng giá vé xem tuyển Việt Nam đá bán kết AFF Cup
>> Văn Quyết - Cầu thủ được HLV Miura khen nhiều nhất ở tuyển Việt Nam
|
Ở vòng bảng, sau khi tham khảo ý kiến của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), VFF đã tung các mệnh giá vé với các mức: 100.000 đồng, 200.000 đồng, 250.000 đồng và 300.000 đồng. Các mức giá này có thể xem “vừa phải” so với mặt bằng thu nhập chung của khán giả Hà Nội.
Tuy nhiên, dù giá vé không phải quá đắt (dĩ nhiên không quá rẻ) nhưng trước cả 3 trận đấu của Việt Nam ở vòng bảng không tái lập hình ảnh người dân đi mua vé đông nườm nượp như dạo giải U.19 Đông Nam Á cũng tổ chức ở sân Mỹ Đình.
Các quầy bán vé đìu hiu như chợ chiều và kể cả trận đấu đầu tiên gặp đối thủ rất mạnh như Indonesia, vé cũng chỉ bán được khoảng gần 80% số lượng ghế ngồi trên sân. Trận gặp Lào, vé chỉ bán được khoảng 60% còn trận gặp Philippines thì khá khẩm nhất: gần 90%.
Nhưng sau khi Việt Nam vượt qua vòng bảng để có mặt ở bán kết, VFF đã nâng giá vé lên cao hơn. Cụ thể là: Mệnh giá thấp nhất có giá 150.000 đồng và tăng dần: 250.000 đồng, 350.000 đồng và 400.000 đồng.
Trên một số diễn đàn bóng đá, các thành viên kêu ầm trời vì giá vé tăng. Rất nhiều khán giả cũng than van trước “đòn phản công” bất ngờ từ phía VFF.
|
Chị Nguyễn Lan Hương, nhà ở phố Trần Cung (Hà Nội) nói: “Tại vòng bảng, tôi đọc báo mạng thấy chủ tịch VFF nói là nếu vé đắt thì khán giả có thể xem ở nhà. Không biết ông có khuyên gì nữa không khi ở bán kết, giá vé lại tăng đột ngột như vậy?”.
Anh Vũ Văn Mai, quê Vĩnh Phúc đã “trình bày” với phóng viên Thanh Niên Online: “Vì bận công việc nhà nông nên thời gian Việt Nam đá ở vòng ngoài, tôi không thu xếp ra Hà Nội được. Tôi dự trù sắp xếp công việc để ra Hà Nội xem đá bán kết. Nhưng xem tivi lại thấy thông tin là tăng giá vé, tôi lại tần ngần không biết có nên không? Thú thật là nhà chỉ cách Hà Nội vài chục cây số mà tôi chưa rõ mặt mũi cái sân Mỹ Đình nó to đẹp ra làm sao. Sao nơi bán vé không nghĩ đến người nông dân như chúng tôi?”.
Một khán giả khác cũng đang phân vân về chuyện có nên thưởng vé xem bóng đá cho cán bộ công nhân viên cơ quan mình không? Ông Trần Mạnh Hà, giám đốc công ty Sao Việt nói: “Cả năm trời, anh em làm việc vất vả. Ngoài tiền thưởng cuối năm dương lịch, chúng tôi đang dự tính mua vé xem trận bán kết cho cả cơ quan. Nhưng nếu giá vé như vòng bảng thì còn chịu được chứ vé ở bán kết cao quá, mua với số lượng nhiều thì lại ảnh hưởng đến ngân quỹ”.
|
Hãy nghe một cổ động viên nhận xét về việc tăng giá vé: “VFF đã xin ý kiến AFF và được AFF thông qua vấn đề nâng giá vé. Nhưng tại sao phải xin phép AFF khi chính VFF hoàn toàn có quyền tự quyết. Tôi được biết, toàn bộ tiền bán vé sẽ thuộc về nước chủ nhà chứ AFF không thu một đồng nào. Đáng lẽ, VFF nên suy nghĩ kỹ về chuyện này.
Trước hết phải vì quyền lợi người hâm mộ. Và hơn nữa là quyền lợi của chính đội tuyển. Khán giả là cầu thủ thứ 13. Nếu vé ở mức hợp lý sẽ càng lôi kéo người xem đến đông, càng tạo ra sức mạnh tinh thần cho đội. Vé đắt, khán giả lại phải cân nhắc lên xuống, rất tội nghiệp!”.
Nhưng việc tăng giá vé của VFF lại cũng gây ra luồng ý kiến trái chiều. Không phải ai cũng phản đối, ví dụ như bác Đặng Thị Yên, nhà ở phố Chùa Hà bênh vực VFF: “Không nên quá khắt khe với việc giá vé tăng. Chỉ cần bớt chi tiêu một khoản nhỏ là cũng đủ tiền mua vé rồi. Cả nhà tôi đều hâm mộ bóng đá nên tôi đã “chỉ đạo” anh con trưởng đi mua vé mệnh giá cao nhất. Ấy cũng là cách thiết thực nhất để bày tỏ tình yêu với đội tuyển!”.
Người hâm mộ phản ứng trên các diễn đàn Trên các diễn đàn, chuyện tăng giá vé đã trở thành chủ đề thảo luận thu hút rất đông sự quan tâm, với nhiều bức xúc. Độc giả Cu Tèo đặt dấu hỏi: “Mới vào bán kết đã thưởng 1 tỉ? Vừa vào bán kết đã tăng giá vé hơn 30%? Các ông có hiểu tại sao cầu thủ cứ bị ám ảnh tư tưởng đồng tiền dẫn đến tiêu cực? Các ông có biết lý do tại sao lượng khán giả không bao giờ kín sân từ đầu giải tới nay? Trong khi đó có rất nhiều người hâm mộ đến sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) xem qua màn hình lớn, hàng triệu người xem qua tivi?". Ở một bình luận khác, bạn đọc Dinh Thang bắt bẻ VFF bằng chính phát biểu trước đấy của lãnh đạo tổ chức này: “Trước đó mấy hôm những lời phát biểu của lãnh đạo VFF trước truyền thông họ có nói một câu như thế này mà mình nhớ mãi "VFF không thiếu tiền vì vậy các cầu thủ thi đấu tốt sẽ không thiệt thòi”. Bây giờ họ tăng giá vé, họ đang muốn cổ động viên không đến sân cổ vũ cho đội nhà à?”. Trên một diễn đàn khác, bạn quocvan không đồng ý về lý do giá vé tại Việt Nam thấp hơn Singapore: "Thật mỉa mai khi lấy lý do giá vé ở Việt Nam kém Singapore. Thế VFF có biết thu nhập của người dân ở Singapore là bao nhiêu không? Thu nhập bình quân đầu người ở Singapore đạt 28.000 USD, đứng thứ 2 châu Á. Trong khi đó ở Việt Nam người công nhân bình thường chắc có mơ cũng chẳng bao giờ dám bỏ 200 nghìn đi xem bóng đá. Số tiền họ phải làm 2 ngày mới đủ. Trớ trêu thay, VFF đang thuận nước đẩy thuyền, làm ăn chộp giật, trước sau cũng bị người hâm mộ quay lưng”. Trong số rất nhiều bình luận, vẫn có những ý kiến cho rằng việc tăng giá vé của VFF là bình thường. Việc mua giá vé tăng thêm cũng là cách thể hiện tình yêu với tuyển Việt Nam, điển hình như phát biểu của bạn Việt Hồ: "Cũng còn rẻ chán. Những con người, trái tim Việt hãy đến cổ vũ cho tuyển nhà, hãy thể hiện tính đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc. Tôi ở Huế cũng sẽ ra Hà Nội mua vé xem trận bán kết. Chắc chắn là vậy. Chúc các tuyển thủ đá hay hơn nữa và mong Mỹ Đình sẽ lấp đầy chỗ. Tôi yêu các cầu thủ, yêu các CĐV Việt Nam!". Quốc Việt |
Hà Nam
Bình luận (0)