|
Báo Straits Times (Singapore) hôm nay 2.12 cho hay, phát biểu trên của Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Philippines, được đưa ra sau buổi điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hôm 1.12, Bộ trưởng Gazmin nói rằng Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) mà Manila ký với Washington vào tháng 4 chỉ có tác dụng “ngăn ngừa” sự hung hăng của Trung Quốc.
“Hiện tại, chúng ta chỉ sử dụng EDCA như một biện pháp để ngăn ngừa... trong khi chúng ta phải tiếp tục vá víu các khoảng trống bằng chương trình hiện đại hóa quốc phòng của mình”, ông Gazmin nói.
Ông Gazmin cho rằng từ khi có EDCA, Bắc Kinh đã thôi quấy phá các con tàu của Hải quân Philippines cung cấp lương thực và nước uống cho binh sĩ đồn trú trên một chiến hạm cũ kĩ bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền của Manila ở nơi này.
EDCA được soạn thảo và ký kết một cách vội vàng hôm 28.4, vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Manila trong một chuyến thăm ngắn ngủi và có phần hời hợt.
Thỏa thuận có hiệu lực 10 năm này cho phép Mỹ được đưa thêm quân và có thiết bị quân sự đến nhiều căn cứ quân sự của Philippines. Đổi lại, EDCA cũng cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự và xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này dọc theo biên giới một cách dễ dàng hơn.
Binh sĩ Philippines - Ảnh: Reuters |
Đây được coi là một trong các thỏa thuận quốc phòng đáng kể của Washington trong vài thập niên qua. Tuy vậy, EDCA không có điều khoản buộc Mỹ đưa hải quân đến trợ giúp trong trường hợp Philippines bị Trung Quốc tấn công trên khu vực nước này tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Khi bị Thượng nghị sĩ Santiago chất vấn rằng liệu Washington có giúp Manila khi xảy ra chiến sự với Bắc Kinh, Bộ trưởng Gazmin thừa nhận: “Việc đó phải trải qua một quy trình dài”, bởi mọi sự can thiệp của Mỹ vào Trung Quốc có dính líu đến Philippines sẽ phải thông qua sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ.
Điều đó có nghĩa là: “Vào thời điểm Mỹ quyết định giúp chúng ta thì các tàu chiến của ta đã chìm sâu dưới đáy biển. Điều này chỉ để nói rằng chúng ta hoàn toàn chả được lợi gì từ EDCA. Tác dụng phòng vệ thật ra chỉ là giả thuyết”, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Santiago phát biểu tại cuộc họp báo sau buổi điều trần.
“Chúng ta chỉ hy vọng, bằng giả thuyết của mình, rằng Trung Quốc sẽ không nổ súng”, bà Santiago nói thêm.
Thật ra, nhận định của bà Santiago cũng không phải quá mới mẻ. Công chúng và các nghị sĩ Philippines đã bày tỏ thất vọng nặng nề về EDCA ngay trong chuyến thăm của ông Obama.
Khi ấy, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà, khi được báo chí Philippines hỏi về cam kết hỗ trợ quân sự trong tình huống Manila bị Bắc Kinh tấn công, Tổng thống Obama chỉ lặp lại lập trường “không đứng về bên nào” trong tranh chấp biển Đông.
“Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ xây dựng với nước này. Mục tiêu của chúng tôi không phải là đối kháng, không phải là khống chế Trung Quốc”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Trung Quốc tuyên bố bản án của Philippines vi phạm chủ quyền
>> Philippines xử phạt 9 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép
>> Philippines kỳ vọng giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc
>> Trung Quốc-Philippines đồng ý giảm căng thẳng trên biển Đông
>> Philippines chỉ trích Trung Quốc về biển Đông
Bình luận (0)