|
Trong lịch sử, các nước đã tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng cách hối lộ, lừa gạt, cưỡng ép và dùng vũ lực. Từ Hy Lạp cổ đại hùng mạnh đến Đế quốc Anh chỉ tìm cách thống trị các vùng biển, chẳng nước nào cố chiếm biển hay đại dương làm của riêng. Nhưng nay Trung Quốc đang tích cực làm điều đó khi từng bước biến Biển Đông thành của riêng, theo một bài báo trên Huffington Post (Mỹ) ngày 3.12.
Tác giả bài báo là ông Llewellyn King, nhà báo, người sáng lập và điều hành chương trình Biên niên sử Nhà Trắng, tổng hợp tin tức hàng tuần và được phát sóng toàn quốc trên kênh PBS, các đài truyền hình của chính phủ Mỹ.
Theo ông King, Trung Quốc đang từng bước thiết lập quyền bá chủ trên Biển Đông, vùng biển quan trọng nhất, nơi nhiều quốc gia ven biển trong khu vực có tuyên bố chủ quyền.
|
Biển Đông có tầm quan trọng được đánh giá rất cao, là một tuyến đường biển quốc tế quan trọng nhất; một trong những ngư trường lớn nhất; và thềm lục địa có trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều muốn một phần của nó, nhưng Trung Quốc muốn lấy tất cả.
Thời gian qua Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền phần lớn Biển Đông và tung ra một bản đồ gọi là đường chín đoạn (hay lưỡi bò) chiếm hầu hết Biển Đông và tất cả hòn đảo trên đó. Bản đồ đường chín đoạn này là một sự khiêu khích tốt nhất và là một kế hoạch chi tiết cho việc sáp nhập tồi tệ nhất.
Cơ chế đánh cắp một trong những vùng biển lớn này của Trung Quốc là kiểm soát ba quần đảo: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo Đông Sa cùng một số bãi ngầm nhỏ như Macclesfield và Scarborough.
Giữa ba quần đảo này là khoảng 250 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi cát và rạn san hô. Rất ít trong số này là nơi sinh sống hoặc có người bản địa. Một số bị ngập vĩnh viễn, và số khác chỉ nổi khi thủy triều thấp.
Nếu Trung Quốc có thể tuyên bố sở hữu, nước này có thể sử dụng các đảo này để mở rộng chủ quyền ra khu vực xung quanh. Đầu tiên, họ có thể tuyên bố phạm vi lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi hòn đảo/bãi san hô này và cũng có thể tuyên bố tiếp một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ những cái gọi là đảo này. Và thế, Trung Quốc có thể kết nối các điểm đó lại để chiếm lấy một mảng rộng lớn của Biển Đông.
Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất, mà thật ra là xây dựng đảo nhân tạo mới, trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Hòn đảo mới này dài hơn 2 km có cả đường băng, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được sử dụng cho các hoạt động hàng không và hàng hải. Các bên có tranh chấp khác trên Biển Đông lại nghĩ khác, đặc biệt là Việt Nam. Còn Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng đảo.
Trung Quốc đã âm thầm và công khai về chiến lược của mình. Một mặt Trung Quốc gia tăng giao dịch thương mại với các bên tranh chấp; và trong một số trường hợp họ đóng góp hào phóng để phát triển cơ sở hạ tầng của những nước tranh chấp, nhưng không phải phát triển trên biển Đông.
Mặt khác, trong những hành động khiêu khích trên biển, Trung Quốc rất cẩn thận trong việc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển (hải giám), chứ không dùng hải quân, khi mở rộng việc chiếm đoạt trên các quần đảo, và tiến dần từng bước để thống trị toàn bộ những gì gọi là đảo trên Biển Đông.
Philippines đã tìm đến toà án quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một công ước mà Quốc hội Mỹ không phê chuẩn, theo chuyên gia Barry Nolan của Diễn đàn Boston, một nhóm phân tích chính sách đã nghiên cứu cuộc khủng hoảng ở Biển Đông trong năm nay.
Nhưng Trung Quốc phủ nhận tính hợp pháp của luật pháp quốc tế về Biển Đông khi nói đó là vấn đề nội bộ.
|
Theo tác giả bài báo, “Chúng ta đang chứng kiến một loại chủ nghĩa đế quốc mới từ Trung Quốc, một sự sáp nhập dần dần bất cứ điều gì nó muốn; sự xâm chiếm yên tĩnh, một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng không ngừng nghỉ. Đây là cách làm của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và những nơi khác. Nó siết nhẹ nhàng và sau đó với sức mạnh lớn hơn, giống như kiểu quấn chết người của một con trăn”.
Các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh vũ trang, nhưng lực lượng hải quân của Trung Quốc lại phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, nước này có thừa tiền và nhân lực đủ để làm những gì nó muốn. Chính sách xoay trục châu Á của Mỹ lại thực hiện quá ít ỏi để trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc. Liệu có điều gì ngăn cản được Trung Quốc chiếm lấy một số hòn đảo vô dụng, và sau đó lấy toàn bộ Biển Đông?
Các khái niệm cổ xưa về đại dương là của chung đang bị đe dọa khi con rồng Trung Quốc đang tiến đến, theo kết luận của tác giả King.
Anh Sơn
>> Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông, Hoa Đông
>> Săn ngầm trên biển Đông
>> Trung Quốc đã từ bỏ 'chiến lược kiềm chế' ở biển Đông
>> Doanh nhân VN tại Úc gửi thư về biển Đông cho G20
>> Mỹ, Nhật mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông
Bình luận (0)