Giữ rừng và phá rừng

05/12/2014 10:00 GMT+7

Lâm Đồng là tỉnh hiếm hoi còn giữ được độ che phủ của rừng trên dưới 60%. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, tiếp diễn nhiều hành vi hủy hại cây rừng như ken cây, bơm hóa chất vào thân cây.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, ngành công an phối hợp với chính quyền địa phương và các chủ rừng sớm tìm ra thủ phạm đầu độc cây rừng, lấn chiến đất rừng để xử lý nghiêm minh.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Một chi tiết đáng quan tâm, những khu rừng bị ken, bị bơm thuốc độc thường nằm sát…các chòi canh gác bảo vệ rừng, hoặc gần nhà, đất vườn của các cán bộ lâm nghiệp. Tương tự ở tỉnh Đắc Lắk, Đắc Nông… cũng xảy ra tình trạng hàng trăm cây thông bị chết khô do bị đầu độc bằng cách đổ hóa chất vào thân cây. Điều đáng nói là, khu vực rừng thông bị phá ở H. Đắc G'Long (Đắc Nông) không xa trụ sở của đơn vị chủ rừng và trạm kiểm lâm của huyện này… nhưng từ trước đến nay các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa bắt giữ, xử lý được thủ phạm nào.

Với quyết tâm gìn giữ rừng, mới đây ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức khai báo diện tích đất đang canh tác trên địa bàn (kể cả của anh em ruột, cha mẹ nội ngoại và các con), để nắm thông tin và xử lý vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) phải nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để đủ sức “đề kháng” với tiêu cực, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn toàn tỉnh khẩn trương rà soát, củng cố chấn chỉnh lực lượng QLBVR đảm bảo thực sự đủ mạnh; quán triệt đến toàn thể cán bộ nhân viên trong đơn vị nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ QLBVR.

Ở một góc nhìn khác, từ giữa tháng 11.2014, tại tiểu khu 227a, thuộc địa bàn thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H. Lạc Dương (Lâm Đồng) lại công khai diễn ra việc triệt hạ trắng gần 300 cây thông đường kính từ 25cm-80cm, thuộc rừng phòng hộ xung yếu để khai thác đá. Nguyên do, từ năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản cho một doanh nghiệp thuê đất trong 5 năm để khai thác đá xây dựng thông thường, nhưng “vướng” rừng phòng hộ. Để “giúp” doanh nghiệp trên có thể phá rừng khai thác đá, Sở NN&PTNT Lâm Đồng lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho chuyển đổi 2,5 ha rừng đặc dụng xung yếu mà doanh nghiệp trên thuê “ra ngoài” đất rừng. Việc đổi rừng lấy…đá tại tiểu khu 227a khiến nhiều người dân và các doanh nghiệp bức xúc, vì không chỉ một cánh rừng mất đi mà việc khai thác đá còn ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái tại khu vực sản xuất nông nghiệp cao cạnh “mỏ đá”. Qua đây cho thấy, những nỗ lực và quyết tâm giữ rừng của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ thể hiện rất rõ… trong các văn bản.

Lâm Viên

>> Giữ rừng vùng giáp ranh: Trạm bảo vệ rừng bảo kê phá rừng?
>> Gian nan cuộc chiến giữ rừng giáp ranh
>> Căng thẳng giữ rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.