Xôn xao thông tin đập bỏ tòa nhà cổ gần 140 năm tuổi

05/12/2014 14:30 GMT+7

(TNO) Những ngày gần đây, các doanh nghiệp làm du lịch ở TP.HCM đang truyền nhau thông tin về kiến nghị của UBND quận 1 (TP.HCM) liên quan việc xin đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính quận (tại số 45-47 Lê Duẩn), mà nếu kiến nghị được chấp thuận thì tòa nhà cổ 140 năm tuổi, hiện đang là trụ sở của UBND quận 1, sẽ có nguy cơ bị đập bỏ.

 
Tòa nhà cổ hiện đang là trụ sở của UBND quận 1 - Ảnh: Trung Hiếu

Theo các doanh nghiệp du lịch, nếu kiến nghị này được chấp thuận, tòa nhà cổ được xây dựng cách đây gần 140 năm, hiện đang là trụ sở của UBND quận 1, sẽ có nguy cơ bị đập bỏ để lấy đất xây dựng trung tâm hành chính quận 1.

Thông tin bắt nguồn từ buổi làm việc của lãnh đạo UBND quận với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vào ngày 17.11, về tình hình kinh tế-xã hội quận 1 năm 2014 và 2015. Tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND quận 1 Phạm Thành Kiên cho biết quận muốn đầu tư dự án xây dựng trung tâm hành chính quận tại số 45-47 Lê Duẩn.

Kiến nghị trên sau đó được một số trang mạng nước ngoài viết về du lịch đăng tải và lan truyền trong giới du lịch. Các doanh nghiệp du lịch trong nước cũng lập diễn đàn để trao đổi với nhau về vấn đề này. Phần lớn doanh nghiệp đều bày tỏ sự không đồng tình nếu đề xuất được thông qua, tòa nhà cổ có lịch sử gần 140 năm có thể bị dỡ bỏ.

 
Tòa nhà cổ được đánh giá là có kiến trúc đẹp, nằm giữa trung tâm TP.HCM và có lịch sử lâu đời - Ảnh: Trung Hiếu


Một góc hoa văn tòa nhà, nhìn từ phía bên ngoài vào - Ảnh: Trung Hiếu

Liên quan đến sự việc này, trong diễn đàn trao đổi với các doanh nghiệp du lịch về việc cứu lấy các di sản, bà Phạm Thị Mỹ Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Bay (Flight Travel) - cho biết mỗi khi có khách từ phương xa viếng thăm, ngoài những hàn huyên đời thường thì những di sản của thành phố luôn là chủ đề bà tự hào giới thiệu đến bạn bè nước ngoài.

Bà Hòa cho rằng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, không ít các quốc gia đã chọn con đường loại bỏ những tòa nhà, những di tích lịch sử để phục vụ cho các công trình công cộng. Bà lấy Singapore làm một điển hình.

 

Bài viết này nhận được hàng trăm ý kiến xót xa và tiếc nuối về sự mất đi của những giá trị lịch sử tại Việt Nam của cộng đồng người nước ngoài. Trong đó, có một ý kiến dấy lên sự tự ái dân tộc lớn nhất trong tôi là “Vietnam don’t need wars to destroy your country”, tạm dịch là “Việt Nam không cần chiến tranh để phá hủy đất nước của các bạn.

Phạm Thị Mỹ Hòa

Do diện tích đảo quốc quá nhỏ bé, họ đã từng chọn giải pháp loại bỏ những tòa nhà mang giá trị lịch sử để xây dựng những kiến trúc hiện đại. Và họ đã rất ân hận về việc này, và sau đó họ đã làm mọi giá để bảo vệ những di tích lịch sử ít ỏi còn sót lại trên đảo quốc.

“Tôi rất xót xa khi thi thoảng đi ngang những tòa nhà thời Pháp thuộc của thành phố vốn bị bỏ hoang và tàn mục theo năm tháng. Tôi cũng rất đau lòng khi nhìn thấy sự thiếu trân trọng những di sản lịch sử này khi người ta không chút thương tiếc khi xây dựng những công trình tạm bợ và lôi thôi xung quanh các di tích lịch sử này chỉ vì tình trạng “cha chung không ai khóc” hay có thể là của chung không ai chịu trách nhiệm”, bà Hòa viết.

Rồi, mới cuối tuần qua, bà Hòa đọc được thông tin trên trang cộng đồng người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Họ bàn luận xôn xao về thông tin tòa nhà lịch sử tại số 45-47 Lê Duẩn, nay là trụ sở của UBND quận 1 sắp bị phá bỏ để xây dựng công trình mới.

"Xin các bạn và tôi hãy làm gì đó để kêu gọi lãnh đạo thành phố để cân nhắc các chính sách và hành động, cùng chung tay bảo vệ những di tích lịch sử. Hãy bảo vệ chúng và hãy để những di sản này lại cho các đời con cháu sau này của chúng ta được dịp thưởng thức và hãnh diện về thành phố thân thương...", bà Hòa nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel đề nghị Hiệp hội Du lịch TP.HCM đặt lịch làm việc với Sở Du lịch TP.HCM, gửi kiến nghị cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch nghe quan điểm của lãnh đạo UBND TP.HCM đối với dự án này.

Một trang mạng xã hội cũng đã được doanh nghiệp du lịch lập ra để kêu gọi bảo vệ tòa nhà cổ có lịch sử gần 140 năm.

Được biết, tòa nhà cổ này do người Pháp xây dựng vào năm 1876 để làm nơi vui chơi giải trí cho các sĩ quan cao cấp.

Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đặt trụ sở Bộ Tư pháp ở đây. Thời gian này, một khối nhà gồm một trệt, một lầu được xây dựng thêm ở phía sau.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, nơi đây là trụ sở Ủy ban nhân dân quận 1, TP.HCM.

Sẽ giữ lại tòa nhà cổ

Trao đổi với PV Thanh Niên Online qua điện thoại vào sáng 5.12, Chủ tịch UBND quận 1 Phạm Thành Kiên cho biết đề án xây dựng Trung tâm hành chính của quận mới dừng ở mức chủ trương và hiện tại quận đang xin ý kiến, đề xuất.

“Nếu được thông qua, thì vẫn còn nhiều việc phải làm lắm. Chúng tôi phải trình Sở Quy hoạch-Kiến trúc duyệt, rồi còn phải có Hội đồng kiến trúc góp ý”, ông Kiên nói.

Ông Kiên cho biết nếu được thông qua, sẽ phải tổ chức một cuộc thi để thu thập các phương án thiết kế kiến trúc của toàn bộ tòa nhà, trong đó phải có phương án bảo tồn kiến trúc của tòa nhà cổ, nghĩa là về cơ bản, tòa nhà cổ sẽ được giữ lại hiện trạng.

Tuy nhiên, “chỉ có tòa nhà phía trước mới có giá trị, cần phải giữ; chứ còn các dãy nhà phía sau thì cũng mới xây dựng sau này...”, ông Kiên nói thêm. 

Trung Hiếu

>> Trùng tu ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn
>> Thăm Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt
>> Khai trương Bảo tàng kiến trúc nhà cổ VN
>> Chưa xử lý rốt ráo linh vật ngoại lai trong di tích
>> Phạt tiền các di tích có linh vật ngoại lai
>> Tăng mức thu phí tham quan di tích cố đô Huế
>> TP.HCM kiến nghị phục hồi di tích chùa Hội Sơn
>> Di tích nhà Trần trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.