Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: Năm 2015, giải quyết 80% tình trạng ngập nước

11/12/2014 15:00 GMT+7

(TNO) Trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP.HCM, sáng nay (11.12), Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung cho biết hết năm 2015, thành phố sẽ giải quyết cơ bản 80% tình trạng ngập nước .


Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung trả lời chất vấn HĐND TP.HCM

Sáng nay (11.12) Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Nguyễn Thành Chung phải đối mặt với nhiều chất vấn của các đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM về tình trạng ngập nước, xe buýt và nước sạch.

Xóa ngập 47 điểm, tái ngập 33 điểm, ngập mới 29 điểm

Tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn, triều cường tại TP.HCM tiếp tục làm “nóng” HĐND TP.HCM, với nhiều chất vấn đề nghị giám đốc Sở GTVT báo cáo, nêu phương án, thời hạn chống ngập.

Ông Nguyễn Thành Chung cho biết từ năm 2011, TP.HCM đưa ra chỉ tiêu phải giải quyết 58 điểm ngập. Tính đến nay (năm 2014), TP.HCM đã xóa được 47 điểm ngập. Tuy nhiên, qua rà soát lại thì có 33 điểm tái ngập. Đồng thời cũng phát sinh thêm 29 điểm ngập mới.

Giải thích nguyên nhân ngập, ông Chung xác định, các điểm tái ngập là do các đơn vị thi công làm sai quy định, ngăn dòng, gây tắc nghẽn dòng chảy. Còn các điểm ngập mới phát sinh ngoài nguyên nhân do đơn vị thi công thì còn do TP.HCM là vùng ảnh hưởng nặng của triều, mưa và biến đổi khí hậu. Trong những năm qua đỉnh triều và lượng mưa liên tục tăng.

Để giải quyết ngập, ông Chung cho biết thành phố đã có chương trình chống ngập do triều và do mưa; được phân ra là chương trình dài hạn và chương trình cấp bách. Trong đó, chương trình dài hạn là xây dựng cống bao, với vốn đầu tư trên 24.000 tỉ đồng và có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Còn chương trình cấp bách thì là đặt hơn 1.000 van ngăn triều.


Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trực tiếp chất vấn các giám đốc sở về tình trạng ngập nước và đánh giá chống ngập chưa hiệu quả

“Ở các điểm tái ngập, Sở GTVT đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục, phạt 66 trường hợp và sẽ lưu ý trong chấm điểm khi đơn vị thi công khi tham gia các dự án khác”, ông Chung nói thêm.

Ông Chung còn cho biết sở đã phải xử phạt đến… 66 lần công trình thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm vì thực hiện không đúng quy định, gây ngập.

Ngay lập tức, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc: “Đã kiểm tra, xử phạt đến 66 lần mà đơn vị vẫn còn vi phạm, vẫn cho thi công thì tôi không hình dung được việc quản lý Nhà nước như thế nào?”.

Người đứng đầu Sở GTVT TP.HCM khẳng định: Đến cuối năm 2015, sẽ cơ bản giải quyết được 80% 58 điểm ngập, tái ngập và điểm phát sinh. Còn lại sẽ giải quyết năm 2016 - 2017. Đến năm 2020 cơ bản giải quyết ngập.

“Năm 2015 cơ bản giải quyết 80% tình trạng ngập nước, còn lại 20%. Đến năm 2020 cơ bản giải quyết ngập. Vậy cơ bản này là được bao nhiêu %? Nghe từ “cơ bản” không yên tâm lắm!”, bà Tâm băn khoăn.

Giải pháp chống ngập chưa hiệu quả

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú chất vấn trách nhiệm của Sở GTVT khi cho thực hiện dự án có đặt ra quy định về bảo đảm thoát nước, đánh giá mức độ ảnh hưởng với nhân dân hay không?

Còn ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết thì cho rằng như tình hình ngập hiện nay, con số điểm ngập dường như vẫn chưa được chính xác. Vậy hệ thống đánh giá điểm ngập trong TP như thế nào? Đồng thời, ĐB Tuyết và một số ĐB cũng nêu thêm vấn đề một số tuyến đường được xây dựng, mặt đường cao hơn nhà người dân, gây khó khăn cho nhà dân, trong đó có cả ngập nước.

 
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú yêu cầu giám đốc Sở GTVT TP.HCM làm rõ trách nhiệm khi để công trình thi công gây ngập

“Đường bằng với cửa sổ, nóc nhà, người dân than thì Nhà nước bảo dân chia sẻ nhưng người dân khó khăn thì Nhà nước có chia sẻ không?”, ĐB Nguyễn Tấn Tài đặt câu hỏi.

“Nâng đường mà không ảnh hưởng đến nhà dân thì chúng ta làm. Còn nâng đường mà cao hơn nhà dân là chống ngập cho đường chứ không phải chống ngập cho dân, nên sẽ không làm mà sẽ có những giải pháp khác toàn diện hơn”, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Thành Chung trả lời.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, đối với vấn đề ngập nước, các giải pháp đưa ra trong lần chất vấn trước đến giờ hiệu quả chưa cao, ngập ngày càng nghiêm trọng, người dân ngày càng bức xúc. Chủ quan do biện pháp đánh giá điểm ngập chưa khoa học, thi công gây ngập. Có những con đường nâng lên quá cao, nhà dân thấp xuống, thiệt hại của người dân giải quyết ra sao?. Lấp kênh rạch và hồ điều tiết chưa được xây dựng cũng góp phần vào ngập nước, đề nghị Sở Xây dựng chủ trì có báo cáo việc xây hồ điều tiết.

Làm rõ thêm những vấn đề các ĐB chất vấn, Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập TPHCM Nguyễn Ngọc Công cho biết đang trình TP hai đề án xây dựng hồ điều tiết Gò Dưa (600 tỉ đồng, diện tích 91 ha) và hồ chìm Bàu Cát (50 tỉ đồng). Ngoài ra, Trung tâm điều hành chống ngập TPHCM đã thị sát, đánh giá để xây dựng, cải tạo 8 hồ khác trên địa bàn TP.HCM để điều tiết nước, giảm ngập.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, cho biết việc không để phát sinh san lấp kênh rạch là trách nhiệm quản lý thuộc về UBND quận, huyện và thanh tra Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Với câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm về quy định khi thực hiện dự án phải san lấp kênh rạch thì sẽ thay thế bằng hồ điều tiết. Vậy có dự án nào thực hiện không?, ông Tuấn cho rằng trên nguyên tắc thì khi lập dự án, quy hoạch đều có nhưng vấn đề là hậu kiểm.

Chủ tich HĐND TP đã yêu cầu ông Tuấn "không nói chuyện nguyên tắc" mà đưa ra dẫn chứng cụ thể. Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sở có danh mục và sẽ gửi sau.

Nguyên Mi
Ảnh: Độc Lập

>> Kỳ họp HĐND TP.HCM: Cần chấm dứt ngay tình trạng gây phiền hà cho dân
>> Chống ngập tại TP.HCM: Giải pháp đưa ra không chính xác
>> Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM có phiếu tín nhiệm cao thấp nhất
>> Dân Sài Gòn lại khốn đốn vì ngập nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.