(TNO) Khi trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam, ông Toshiya Miura nhiều lần khen tinh thần thi đấu của cầu thủ Việt, thậm chí còn bảo 'tôi bất ngờ với tinh thần ấy', nhưng khi nói từ trong bụng nói ra với một đài truyền hình Nhật Bản quê mình thì ông không ngại 'chỉ huyệt' hàng loạt cái dở của cầu thủ ta.
>> Những câu chuyện bên lề ít người biết về ông Miura
>> VFF sẽ bừng tỉnh sau phát biểu của ông Miura?
>> Những phát biểu bất hủ của HLV ngoại trước thời Miura
|
Dở từ việc không có kỹ năng phòng ngự, không chịu di chuyển tích cực, rồi không biết cách đá nhanh, đá đơn giản mỗi khi cần đưa quả bóng lên trên. Câu hỏi đặt ra: cái dở ấy ông đã hoặc sẽ khắc phục như thế nào? Nhìn tuyển Olympic Việt Nam đá ASIAD 17 hay đội tuyển quốc gia đá AFF Cup 2014 dễ thấy là ông đã bước đầu tạo nên những thay đổi lớn.
Nhưng những thay đổi ấy rồi sẽ đi tới đâu, sẽ thực sự đạt được những hiệu quả nào? Cái này thì chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của ông Miura, mà phụ thuộc vào chính chất lượng giải Vô địch quốc gia, nơi cung cấp con người cho ông "nhào nặn".
Thế mà khi đánh giá về cái giải Vô địch quốc gia ấy, ông Miura phải dùng đến từ "kinh khủng", trong đó ông nhấn mạnh đến việc công tác tổ chức giải đấu mang nặng tính qua loa. Khi nói câu này chắc chắn ông không quên Trưởng ban tổ chức V.League 2014 Tanaka Koji vốn là một đồng hương, một người bạn gần gũi của mình. Vậy ông không sợ bạn mình chạnh lòng khó nghĩ?
Thực ra ai cũng hiểu ông Koji là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, có tác phong làm việc hiện đại, khoa học, mà ví dụ rõ nhất là việc ông là người đầu tiên đưa ra thông số cầu thủ Việt Nam chỉ chạy trung bình 5,6 km/trận, trong khi con số này với cầu thủ châu Á là 10 km.
Nhưng vấn đề là khi ngồi vào ghế trưởng giải thì ông bất lực với một thực cảnh không như ý mình. Đừng nói đến những chuyện to tát như ông phải "ngã ngửa người" với thông tin có một nhóm cầu thủ Đồng Nai làm độ, ngay cả những việc cỏn con hơn rất nhiều, như ông muốn thấy những cái sân thi đấu đủ tiêu chuẩn thì ở nhiều sân ông đi "vi hành" vẫn có chuyện cầu thủ gãy xương mác sau những pha va chạm trên mặt sân xấu xí.
|
Rõ ràng, chuyên gia Nhật Koji nhiều lúc phải bất lực với một giải Vô địch quốc gia nhìn đâu cũng thấy vi trùng, đến lượt mình thì HLV Nhật Miura cũng có phần mệt mỏi và bất lực khi cứ phải nhặt người từ cái nền thấp kém ấy rồi cố gắng "phù phép" làm mới từng cái đầu, từng đôi chân trong từng đợt đội tuyển hội quân.
Năm tới, sẽ có một chuyên gia Nhật nữa sang làm HLV trưởng đội tuyển nữ, và nếu không có những thay đổi phút chót thì sẽ lại có một chuyên gia Nhật nữa làm Giám đốc kỹ thuật cho VFF. Nhưng từ những trải nghiệm và chia sẻ của Koji, của Miura dễ có cảm nhận: chuyên gia Nhật sang đây không tránh khỏi cảm giác cô đơn?
Có thể, chính sách Nhật hóa nền bóng đá mà những nhà lãnh đạo VFF đang theo đuổi là chính xác, nhưng để Nhật hóa thành công thì chúng ta phải thay đổi những nền tảng căn cơ của mình, trong đó có nhiều thứ nằm ngoài ý mình (ví dụ như nền tảng xã hội), thay vì cứ mời người Nhật sang, xem người Nhật làm, nghe người Nhật nói để rồi cứ phải lóng ngóng giật mình với... từng câu nói.
Phan Đăng
Bình luận (0)