Chúng tôi đã từng bật cười khi nghe các xạ thủ của đội tuyển bắn súng VN tiết lộ rằng, HLV Nguyễn Thị Nhung luôn “thủ” nhiều chiêu huấn luyện lạ như cầm sẵn một chiếc roi để phết vào... mông VĐV nào không tập tốt.
|
Đứng yên tập... thở
Giữ vị trí á quân trong danh sách top 10 VĐV tiêu biểu năm 2014, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thừa nhận thành công anh có được là nhờ những bài huấn luyện rất “độc” của HLV Nguyễn Thị Nhung. Một lần, Vinh kể: “Tính tôi ít nói nên cũng không thích nghe nói nhiều. Biết tôi yếu tâm lý nên cô Nhung chọn giải pháp... nói liên tục không nghỉ bên tai tôi trong suốt buổi tập. Mới đầu thì hãi lắm, nhưng sau quen dần và khi thực sự bước vào những cuộc tranh chấp quyết liệt, tôi không bị tác động tiêu cực từ những âm thanh lạ của trường bắn”.
HLV Nguyễn Thị Nhung (có tên trong top 5 HLV tiêu biểu năm 2014) còn có “võ” khác là khi cảm thấy ngón tay bóp cò của học trò bị trì trệ, không đúng kỹ thuật, lập tức bà búng rất đau vào ngón cò đó. “Điều tưởng chừng rất kỳ quặc này lại vô cùng hữu dụng. Lúc thi đấu, mỗi lần ngón cò bị căng cứng, không cử động tốt theo ý muốn, tôi lại nhủ thầm là mỗi khi mắc lỗi thế này, mình lại bị cô Nhung búng đây. Thế là lập tức điều tiết được kỹ thuật, chỉnh sửa lại cho đúng”, Vinh nói.
Hai lần trong năm 2014, Vinh phá kỷ lục thế giới nội dung 10 m súng ngắn hơi nam tại Cúp bắn súng thế giới và Đại hội TDTT toàn quốc mà với anh những bài tập “phụ” như đứng yên, im lặng trong vài tiếng đồng hồ để tập... thở của HLV Nguyễn Thị Nhung đã phát huy tác dụng ở mức tuyệt đối. Đó là chưa kể, có giai đoạn trong quá trình tập huấn, hằng ngày Vinh và các đồng đội không được bỏ “món” đi bộ 8 đến 10 km. Bài tập này không chỉ giúp đôi chân vững chắc, tim mạch, hô hấp tốt mà còn tôi luyện ý chí.
Bắn điểm 8 sẽ bị ăn vụt
Đợt tập huấn tại Hàn Quốc cách đây vài tháng, các xạ thủ nữ được áp dụng một “chiêu” huấn luyện lạ không kém. Ngoài búng ngón cò, cuốc bộ lên núi cao, HLV Nguyễn Thị Nhung còn “thủ” sẵn một cái roi nhỏ. Để làm gì? Yêu cầu học trò tập bật nhảy xong phải vào đứng bắn luôn và không được phép bắn có điểm 8. “Ai bắn vào điểm 9 hay 10 thì được tha, bắn vào điểm 8 là cô cầm roi vụt vào mông luôn, hoặc quất vào bắp chân. Công nhận, cái roi của cô có tác dụng cực kỳ. Chúng tôi không chỉ thực hiện động tác tốt hơn mà sức chịu đựng căng thẳng khi thi đấu cải thiện hơn hẳn”, một xạ thủ chia sẻ.
Xin “hé lộ” thêm một “tình tiết” nữa về chiêu huấn luyện ở môn bắn súng. Các xạ thủ dùng dải băng che kín mắt lúc giương súng bắn để rèn trí nhớ, tạo thành phản xạ tự nhiên của sự tập trung cao độ và định hình trong não những tư duy về động tác kỹ thuật.
HLV Nguyễn Thị Nhung giải thích: “Bắn súng là môn thể thao khá đặc biệt so với những môn khác bởi động tác lặp đi lặp lại hàng trăm lần, rất dễ nhàm chán. Ngoài những phương pháp huấn luyện chuyên sâu về chuyên môn, bắt buộc HLV không thể giữ mãi những giáo án cũ rích mà phải sáng tạo những bài tập sinh động, giúp VĐV vượt qua sự nhàm chán đó.
Với cá nhân tôi, bài tập kỹ thuật chiếm 60% của sự thành công, 40% còn lại là bài tập giúp VĐV giải tỏa trạng thái tâm lý, tăng cường tư duy về ý chí và giảm thiểu được áp lực. VĐV bắn súng được coi là người rất cô đơn khi đứng bắn. Nếu không có tinh thần thép, không thể thực hiện được động tác chuẩn bởi sự căng thẳng, hồi hộp, run rẩy, tim đập nhanh sẽ làm tiêu tan hết sạch những tư duy về kỹ thuật. Trước khi muốn phá vỡ một kỷ lục nào đó, VĐV cần phải phá vỡ kỷ lục của chính mình đã. Mà muốn vậy, HLV phải biết tạo ra sự hưng phấn bằng nhiều phương pháp lạ”.
>> Chuyện lạ thể thao: Cánh cửa có... ma!
>> Chuyện lạ thể thao: Cấm chồng... sờ vào người!
>> Chuyện lạ thể thao: Cây vợt bí mật
>> Chuyện lạ thể thao: Kinh hoàng đôn trọng lượng, ép cân
Bình luận (0)