(TNO) Đầu tư vào bóng đá trẻ thực ra là kiểu... mua hàng trả góp. Thay vì bỏ một lúc số tiền cực lớn để mua ngôi sao, người ta chia nhỏ số tiền đó ra để đào tạo một cầu thủ trẻ trong nhiều năm.
>> Vòng 1 V-League 2015 qua những con số
>> Sân Pleiku suýt... vỡ ở ngày lứa Công Phượng ra mắt V-League
>> Khai mạc V-League 2015: Hấp dẫn từ những chàng trai U.19
>> V-League 2015 sôi động từ vòng đầu tiên
|
Lâu nay, bóng đá Việt Nam được xem là cuộc chơi của giới đại gia siêu giàu. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, suy thoái kinh tế đã tác động không nhỏ đến túi tiền các ông bầu ở V-League.
Hãy nhìn vào ví dụ sau để thấy điều đó: cách đây 3 năm, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn sẵn sàng bỏ ra tới 12 tỉ đồng chỉ để chiêu mộ trung vệ Phước Tứ. Nhưng ở V-League 2015, ngân sách hoạt động cả mùa của Hoàng Anh Gia Lai là 15 tỉ, tức chỉ nhiều hơn 3 tỉ so với số tiền Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ ra mua Phước Tứ.
Có thể thấy, tại V-League năm nay, thay vì đua tiền, các CLB đặt niềm tin vào nội lực với 2 tiêu chí: tài năng trẻ cộng người địa phương. Theo đó, nhìn qua danh sách đăng ký các CLB gửi lên ban tổ chức giải, 2/3 đội hình của các đội là những cầu thủ sinh từ năm 1990 trở về sau.
HAGL đôn nguyên lứa cầu thủ U.19 như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều lên dự V-League sớm một năm thay vì năm 2016 như lộ trình ban đầu. Điều này đã khiến HAGL lập kỷ lục là đội bóng có độ tuổi trung bình thấp nhất V-League 2015, với 21,7 tuổi.
Cá biệt, tại Sông Lam Nghệ An, HLV Ngô Quang Trường sử dụng cả một tiền đạo sinh năm 1995 (Hồ Tuấn Tài) dự V-League, tức là thời điểm giải khai mạc, cầu thủ này chưa tròn 20 tuổi.
Theo vị HLV từng nhiều năm làm bóng đá trẻ này, việc sử dụng cầu thủ trẻ sẽ đem đến cho người hâm mộ sự mới mẻ và khác lạ, do các cầu thủ trẻ rất khát khao thể hiện mình mỗi khi được tung ra sân.
Đầu tư vào bóng đá trẻ thực ra là một cách làm khôn ngoan và rẻ hơn nhiều so với cách làm ăn xổi vốn phổ biến thời gian qua. Giám đốc điều hành HAGL Huỳnh Mau cho biết, số tiền mà bầu Đức bỏ ra nuôi một tuyến trẻ hàng năm của Học viện HAGL Arsenal JMG chỉ chừng 5 tỉ đồng. Nhân với thời gian đào tạo 6 năm (5x6) ra thành 30 tỉ đồng. Như vậy, sau 6 năm và bỏ ra khoảng 30 tỉ, bầu Đức có cả một lứa cầu thủ thiện chiến để chinh chiến ở V-League.
Hiểu theo cách khác, đầu tư vào bóng đá trẻ thực ra là kiểu... mua hàng trả góp. Thay vì bỏ một lúc số tiền cực lớn để mua ngôi sao, người ta chia nhỏ số tiền đó ra để đào tạo một cầu thủ trẻ trong nhiều năm. Đến khi anh ta thành tài, ngoài chuyện đội bóng sử dụng còn có thể tính phương án bán đi kiếm lời. Sông Lam Nghệ An bao năm qua tồn tại ở V-League là nhờ cách này. Và nay, phương pháp đó đang được nhiều đội khác ở V-League học theo.
Thực ra, nhiều CLB V-League năm nay vốn xuất thân từ những địa phương có truyền thống đào tạo trẻ nhiều năm như Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hải Phòng, Nghệ An. Một số đội doanh nghiệp như Hà Nội T&T, Đồng Tâm Long An... thời gian qua cũng khá chú trọng công tác đào tạo trẻ.
Thế nên, có thể coi V-League 2015 là thời điểm để các CLB gặt hái thành quả sau nhiều năm đầu tư cho công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Anh Tuấn
Bình luận (0)