(TNO) Lứa cầu thủ Công Phượng chẳng những gieo lại niềm đam mê cho người hâm mộ bóng đá nước nhà mà còn làm vỡ ra nhiều vấn đề tồn đọng của bóng đá Việt Nam.
>> ĐTLA lo vỡ sân khi tiếp HAGL
>> Để khán giả tràn xuống sân, BTC sân Pleiku sẽ bị phạt
>> Sân Pleiku suýt... vỡ ở ngày lứa Công Phượng ra mắt V-League
>> Sân Pleiku nóng bỏng ngày bán vé đại trà
|
Lâu nay lãnh đạo các CLB lo ngây ngấy chuyện sân cỏ vắng khán giả, nhưng khi lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh nổi lên thì nhiều người lại lo sẽ bị phạt vì khán giả quá đông.
Các cầu thủ lứa Công Phượng, Tuấn Anh... đã tạo nên sức hút rất lớn khi ngay trận đầu tiên họ đã khiến sân Pleiku “vỡ tung”.
Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày bầu Đức kéo Kiatisak sang phố núi, thì HAGL mới lại gây sốt đến như vậy khi đá trên sân nhà.
Việc để vỡ sân ở trận đầu tiên khiến lãnh đạo HAGL và ban tổ chức sân Pleiku lo lắng vì nếu tái diễn lần thứ 2, thứ 3, HAGL sẽ bị phạt nặng. Nhẹ thì phải thi đấu không khán giả, nặng thì phải đá sân trung lập.
Cho dù bầu Đức là Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng HAGL không thể thoát án phạt vì VFF và VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam - ban tổ chức giải) phải làm nghiêm, nếu không sẽ khó xử các CLB khác khi họ vi phạm.
Với vi phạm lần đầu tiên, HAGL sẵn sàng chịu phạt theo đúng quy định, nhưng điều họ lo ngại là làm thế nào để tránh vỡ sân khi sự quan tâm của người hâm mộ quá lớn.
Giám đốc điều hành CLB HAGL Huỳnh Mau cho biết, CLB chỉ phát hành 8.500 vé, vì sức chứa của sân chỉ có 10.000 người, nhưng nạn vé giả quá nhiều nên không thể kiểm soát được.
Rõ ràng một số đối tượng đã lợi dụng những trận cầu hấp dẫn để in vé giả trục lợi, như vụ vé giả từng xuất hiện tại Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên ở Cần Thơ năm ngoái.
|
Lứa cầu thủ Công Phượng tạo sức hút rất lớn, nên không chỉ sân Pleiku, mà các sân cỏ cả nước, mỗi khi HAGL thi đấu ở đâu nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng vỡ sân ở đó.
Sau sân Pleiku, đến ban tổ chức sân Long An lo lắng vì sân này chỉ được phát hành 11.000 vé do sân đã xuống cấp.
Với 11.000 vé, nếu ĐTLA không đá với HAGL thì không đáng lo ngại, vì mấy mùa giải trước, lúc đông nhất cũng chì tầm 6.000 khán giả, nên lâu nay ban tổ chức sân lơ là trong công tác bảo dưỡng sân.
Để tránh tình trạng “vỡ sân” diễn ra, ảnh hưởng đến trận đấu, thiết nghĩ ban tổ chức sân cần nhờ cảnh sát địa phương triệt để trong việc chống nạn vé giả, đồng thời phải làm tốt công tác kiểm tra, soát vé để những người không có vé không thể vào sân, gây nên tình trạng quá tải.
Do đặc thù của bóng đá Việt Nam, các sân bóng trung bình chỉ có sức chứa 20.000 người, bây giờ do không được bảo dưỡng như sân Long An, nên sức chứa càng ít hơn vì thế không thể đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ.
Bài toán đặt ra với VFF và VPF là phải tìm ra cách giúp các CLB tổ chức tốt trận đấu tốt nhất, bởi chắc chắn một điều, mỗi khi HAGL thi đấu ở bất cứ sân nào cũng xảy ra tình trạng cung không đủ cầu.
Từ sự việc sân Long An bị “thu hẹp” do xuống cấp, có thể thấy một thực trạng khác là lâu nay, nhiều sân cỏ cả nước lơ là trong việc nâng cấp, bảo dưỡng sân.
Sân Hàng Đẫy ngay giữa Hà Nội, nơi Hà Nội T&T thi đấu cũng bị khán giả phê phán vì làm không tốt điều này. Do số lượng khán giả đến sân khi Hà Nội T&T thi đấu không đông, nên ban tổ chức sân Hàng Đẫy cũng lười biếng trong việc nâng cấp, quét dọn vệ sinh.
Ngay trong trận khai mạc, khán giả đến sân Hàng Đẫy đã phản ứng vì ghế ngồi đầy bụi bẩn. Chính những điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người hâm mộ ngại đến sân xem bóng đá.
Hy vọng, sau những trận tiếp đón HAGL, các CLB sẽ làm tốt hơn công tác bảo dưỡng, vệ sinh sân bãi, để người xem đến sân bóng đá cũng thoải mái như khi đến các nhà hát lớn xem các chương trình nghệ thuật.
Khánh Châu
Bình luận (0)