(TNO) Có lẽ với những người hâm mộ bóng đá ở Sài Gòn, khi nghe câu nói trên ai cũng phải chạnh lòng và xót xa.
>> Người Sài Gòn náo nức trước trận tuyển Việt Nam - Malaysia
>> Sài Gòn cũng có một Anfield
>> Fan Sài Gòn ít hào hứng với U.23 Việt Nam
>> XMXT.Sài Gòn chính thức giải tán
|
Chạnh lòng và xót xa cũng phải thôi vì ở một thành phố từng sở hữu nhiều đội bóng mạnh nhất nước, giờ đây người hâm mộ lại phải đánh xe qua các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, hoặc Đồng Nai xem “ké” bóng đá vào mỗi dịp cuối tuần.
Nỗi đau càng lớn hơn nữa khi đội bóng khiến mình phải đi xem ké chẳng có dây mơ rễ má gì với thành phố mình sinh sống cả mà ở tuốt tận đẩu tận đâu: HAGL.
Thật ra không riêng người hâm mộ bóng đá Sài Gòn đang lên cơn sốt với cái đội bóng trẻ “còn mùi hơi sữa” của bầu Đức tại V-League mà cả nước cũng rơi vào tình cảnh như thế. Nhưng khác một điều là những “tỉnh lẻ” này còn có đội bóng quê hương mình thi đấu trên sân nhà để mà sốt, mà ngắm những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Còn người Sài Gòn chẳng có đội bóng chơi ở V-League nào để ngắm, vì vậy đành xem ké thôi!
Điều này cho thấy người Sài Gòn không hề thờ ơ với bóng đá nếu đó là thứ bóng đá sạch, đẹp và lôi cuốn. Họ sẵn sàng bỏ thì giờ, công sức để đến tận sân để xem những trận cầu cống hiến như thế. Nhưng tiếc một điều, tất cả những yếu tố đó chỉ có các cầu thủ trẻ HAGL sở hữu.
Đã lâu lắm rồi họ không còn được thấy cảnh chen lấn, xô đẩy ở các phòng vé; cảnh tìm chỗ gửi xe đầy khổ nhọc ở các tuyến đường Nguyễn Kim, Vĩnh Viễn…; hoặc những tiếng reo hò vỡ sân mỗi khi có pha bóng đẹp nơi đây. Người Sài Gòn giờ đây chỉ biết thở dài mỗi khi đi ngang sân vận động Thống Nhất hiu quạnh vào mỗi cuối tuần.
Rất nhiều người Sài Gòn khi nghe nhắc lại những giải bóng đá A1 TP.HCM (gồm 4 đội mạnh toàn quốc là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công an TP cùng các đội đang chơi ở hạng A2 - tương đương hạng Nhất bây giờ) vào những năm 1985-1986 có lẽ khó lòng quên được, bởi cứ mỗi trận chung kết giữa Cảng Sài Gòn và Hải Quan diễn ra, dù có vào sân trước giờ bóng lăn một tiếng đồng hồ cũng đành phải xuống đường piste ngồi vì các khán đài đã kín chỗ.
|
Người viết quen một cổ động viên trung thành của Cảng Sài Gòn trước đây và biết anh đã từng theo chân đội bóng mình yêu thích mỗi khi đội thi đấu tại sân Long An, Bình Dương, thậm chí cả Long Xuyên. Còn khi thi đấu tại sân nhà, anh càng khó lòng bỏ sót dù đó chỉ là trận giao hữu. Hỏi anh vì sao lại say mê Cảng Sài Gòn như vậy anh chỉ nói đơn giản: “Tôi yêu lối chơi đẹp của cả đội bóng, tôi mê những pha xử lý bóng đầy kỹ thuật và ngẫu hứng của Đặng Trần Chỉnh và Lư Đình Tuấn…”.
Cũng chính vì những cái yêu đó mà người Sài Gòn dần nguội lạnh với bóng đá khi mà những cái tên như Cảng Sài Gòn, Hải Quan rồi CA TP.HCM lần lượt biến mất trên bản đồ bóng đá nước nhà. Dù sau đó lãnh đạo ngành thể thao thành phố cố gắng “ăn xổi” bằng cách “mua” thương hiệu các đội bóng từ các địa phương khác để gắn mác Sài Gòn như Navibank Sài Gòn hoặc Sài Gòn Xuân Thành lên chơi ở V-League, nhưng người hâm mộ vẫn nguội lạnh với bóng đá.
Đơn giản bởi những đội bóng này chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, họ thi đấu vật vờ như những cái xác vô hồn dù tiền đổ vào không ít. Kết quả là cả hai đều tự giải tán không kèn không trống. Nhưng khác với cái “chết” của Cảng Sài Gòn hoặc Hải Quan, người hâm mộ chẳng ai đau lòng trước sự “ra đi” của hai gã nhà giàu trên.
Giờ đây, người Sài Gòn đang tự hỏi và ao ước sao thành phố mình lại không có ông bầu nào mê bóng đá và biết làm bóng đá như bầu Đức nhỉ; hoặc ít ra được như bầu Hiển của Hà Nội T&T để còn có đội bóng mà mình yêu thích, để được đến sân nhà cổ vũ hằng tuần, xem những cầu thủ con cưng trình diễn, hơn là cứ phải xách xe chạy xuống các tỉnh lân cận để xem “ké” đội bóng “xứ lạ” thi đấu V-League.
Không biết đến bao giờ mong ước của người Sài Gòn mới thành hiện thực. Chắc còn lâu lắm!
Quốc Bảo
Bình luận (0)