Như một món đặc sản, khi tới sân Lạch Tray xem các trận đấu tại V-League, người hâm mộ luôn được nghe dàn kèn hòa tấu Bến cảng quê hương tôi.
>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Người đỉnh cao, kẻ làng nhàng
>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Đối đầu trên sân, em hay hơn anh
>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Nhà Bryan thống trị quần vợt thế giới
|
Đại diện của màu xanh áo thợ
Bóng đá đến đất Hải Phòng từ con đường cảng biển với những đội bóng của thủy thủ viễn dương và của quan chức chính quyền người Pháp. Mảnh đất này nhanh chóng xuất hiện những đội bóng người Tây, người Hoa, người bản xứ. Nổi tiếng nhất trong số các đội bóng bản xứ là Voi vàng miền biển, là cái cốt của bóng đá Hải Phòng sau ngày giải phóng 13.5.1955.
Bóng đá Hải Phòng sau giải phóng phân ra hai hạng: chân đất và chân giày. Khi các đội bóng chân đất lên hạng thì được chơi ở hạng chân giày. Cảng Hải Phòng - đội bóng tiếp nối truyền thống Voi vàng miền biển cũng đi lên như vậy; sau này có khá nhiều cầu thủ là con, cháu của các danh thủ Voi vàng miền biển, tiêu biểu là Đặng Ngọc Việt, Đặng Ngọc Nam (con ông Đặng Ngọc Kính, biệt danh Kính “trâu”).
Cựu tiền đạo Đặng Ngọc Việt, một trong những cầu thủ lớp đầu tiên về Cảng Hải Phòng, giờ đã ở tuổi thất thập, tự hào: “Ngày ấy chúng tôi chơi bóng bằng cả tâm hồn. Các cầu thủ cảng luôn coi mình là nghệ sĩ sân cỏ, mỗi người đều có “vũ khí riêng”, cá tính riêng, nhưng hợp lại thành dàn đồng ca tốt, thi đấu cống hiến nên được người Hải Phòng tôn vinh là đại diện của giai cấp công nhân, là “màu xanh áo thợ”. Tại Hải Phòng chỉ có 2 đơn vị được người dân tôn vinh như thế, đó là đội bóng đá Cảng Hải Phòng và Đoàn kịch nói Hải Phòng.
Vũ đoàn cá sấu
Cảng Hải Phòng từng đóng góp nhiều cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, là đội hình chính của tuyển Hải Phòng thi đấu các trận quốc tế như thắng Bát Nhất 2 (Trung Quốc) 2-0 ngày 1.1.1958 trên sân Lạch Tray, là đội tuyển VN 2 dự giải bóng đá quân đội các nước XHCN năm 1963... Đội sở hữu bộ tứ tấn công lẫy lừng gồm Vũ Văn Tư (“cá sấu”), Nguyễn Văn Túc (“gù”), Hoàng Kinh Dịp (gốc Hoa) và Đặng Ngọc Việt trong sơ đồ chiến thuật 4-2-4 đặc trưng của Cảng Hải Phòng một thời. Bộ tứ này được công nhận là hay nhất xứ bắc.
Tại giải bóng đá hạng A1 đầu tiên của VN vào những năm 1980 thì Cảng Hải Phòng luôn ở tốp đầu và tiếp nối bằng thế hệ cầu thủ mới với những cái tên như thủ môn Đỗ Thắng, Trần Văn Thư, Nguyễn Văn Dũng (Dũng Ri), Phạm Quang Hiển (Hiển “Gientilê”), Bùi Xuân Cơ (Cơ “latô”), trọng tài Phạm Văn Quang (Quang “ổi”)... mà nổi bật nhất là Lê Quang Ninh (Ninh “đen”), tiền đạo từng được bầu chọn là 1 trong 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc. Thế hệ này đưa Cảng Hải Phòng đoạt HCĐ giải vô địch bóng đá quốc gia (A1) toàn quốc năm 1983 sau trận thắng Cảng Sài Gòn.
Thành tích cao nhất chỉ là tấm HCĐ, chưa sánh bằng các đội bóng khác của thành phố là Điện lực, Xi măng, Công an, Sông Cấm từng vô địch miền Bắc, đoạt cúp quốc gia, thậm chí cả siêu cúp sau này, nhưng với nhiều người dân đất Cảng, chưa đội nào được yêu mến và trân trọng như Cảng Hải Phòng, nhất là năm 1983 người Hải Phòng xuống đường đón đội trở về như những người anh hùng.
Cảng Hải Phòng sở dĩ được người Hải Phòng yêu nhất vì đã “dệt” nên trường phái bóng đá cá sấu trong nhiều năm liền: thi đấu vật vờ, lúc nào cũng tưởng thua đến nơi nhưng cá sấu bỗng quẫy mình thức giấc, lao lên mạnh mẽ và nhấn chìm đối thủ. Rất nhiều trận Cảng Hải Phòng đã cho Thể Công, Công an Hà Nội hay Đường sắt VN nếm mùi đau khổ khi đến sân Lạch Tray.
Cũng như nhiều đội bóng truyền thống khác của miền Bắc, khi nền kinh tế bao cấp được xóa bỏ, hàng loạt các đội mạnh của Hải Phòng chỉ sống bằng ngân sách nhà nước phải giải thể. Đội bóng đá Công nhân Cảng Hải Phòng cũng không là ngoại lệ. Nhưng cái tên Cảng Hải Phòng vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ.
Nguyễn Minh
Bình luận (0)