(TNO) Có vẻ như sự sốt ruột của HLV Miura đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cơn bão chấn thương của đội U.23 Việt Nam.
>> Bị thủy đậu, Văn Tiến chia tay tuyển U.23 Việt Nam
>> Thêm hai tuyển thủ U.19 được gọi lên tuyển U.23 Việt Nam
>> U.23 Việt Nam đón sự trở lại của 2 trụ cột
>> Hơn 1/3 tuyển thủ U.23 Việt Nam dính chấn thương
>> U.23 Việt Nam giống như võ sĩ đánh quyền anh mà nhắm mắt
>> U.23 Việt Nam cầm chân đối thủ mạnh Uzbekistan tại TP.HCM
|
Trong trận đấu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Uzbekistan trên sân Thống Nhất cách đây vài ngày, ông Miura mặc sơ mi trắng lịch lãm như một quý ông nhưng lại liên tục cáu kỉnh, thậm chí nhảy chồm chồm ở khu kỹ thuật, mỗi khi Văn Toàn, Công Phượng sút trượt bóng.
Cao hơn một chút, hình ảnh tưởng chừng như không liên quan: Một loạt áo đồng phục màu cam, với những khuôn mặt buồn rầu, đăm chiêu, ngồi thành một hàng dài trên khán đài. Ấy là những khán giả bất đắc dĩ vì họ là những cầu thủ U.23 bị chấn thương.
Một bài báo nào đó đã viết nửa đùa nửa thật rằng, HLV Miura cần gì phải loại ai nữa khi số cầu thủ bị chấn thương nhiều hơn cả số nhân sự mà ông đang định không mang theo sang Malaysia để đấu vòng loại U.23 châu Á.
Trả lời giới truyền thông, HLV Miura trước hết, nhìn nhận nguyên nhân dẫn tới chấn thương là do chính các cầu thủ. Ông nói: “Chấn thương xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tôi không thể đưa ra một lý do cụ thể. Nhưng theo tôi, sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài, các cầu thủ có biểu hiện không đáp ứng được chuyên môn. Trong thời gian nghỉ, họ không kiểm soát được thời gian cũng như khả năng vận động".
Rồi tiếp đó, ông lại nhìn nhận có thể do chính mình: “Có thể do bài tập mà tôi đưa ra hơi nặng. Giáo án của tôi dành cho các cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ nên làm quen với những bài tập này”.
Sẽ là hơi vội vàng để kết luận ông Miura là hoàn toàn sai khi nhồi một khối lượng quá nặng với các cầu thủ trẻ vốn chưa được tích lũy nền tảng từ nhỏ nên cơ thể đã bị rơi vào trạng thái sốc (dù điều này đã thể hiện phần nào sự hiểu biết chưa sâu của ông về bóng đá Việt).
|
Nhưng có một thực tế thế này: Ngay mồng 6 Tết, trong buổi tập trung đầu tiên, ông đã ép các cầu thủ tập nặng trong hai tiếng, khiến tất cả đều bị choáng. Và ngay ngày đầu đó đã có hai ca chấn thương. Rồi những ngày tiếp theo và cho đến tận bây giờ, những ca chấn thương, thật nguy hiểm, khi vẫn đang có dấu hiệu “tăng trưởng” và mọi thứ có vẻ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính người trong cuộc.
Bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương, đúng vào ngày có trận đấu với U.23 Uzbekistan đã được VFF thay thế bởi HLV Nguyễn Trọng Thủy. Lý do rất tế nhị là bác sĩ Dương bận việc cùng với một đội tuyển quốc gia khác.
Nhưng, việc thay đổi bác sĩ ngay vào bổi cảnh này lại khiến người ta liên tưởng đến một lý do khác. Có thể, bác sĩ Dương không đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả cho những trường hợp chấn thương ở đội U.23. Nhưng sâu xa, lỗi này do đâu?
Đáng lẽ, theo thông lệ, trước một đợt tập huấn, tất cả các cầu thủ khi lên tuyển luôn được đến bệnh viện để thử máu và kiểm tra các vấn đề về y sinh. Nhưng với U.23 Việt Nam lần này thì không? Tất cả đều phải tập một giáo án quá nặng ngay từ đầu. Có thể ông Miura thấy thời gian chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á là quá ngắn (ngày 27.3 đã đấu rồi) và áp lực về thành tích, phải chăng đã khiến ông sốt ruột?
Và trong suốt ba tuần qua, lãnh đạo VFF tuy như ngồi trên đống lửa (thậm chí đã phải dùng cả “liệu pháp tâm lý” là thay bác sĩ) nhưng không ai có sự bàn bạc với HLV trưởng, hay đưa ra lời phản biện về khối lượng, lượng vận động của mỗi buổi tập.
Một chuyên gia đã nói với chúng tôi cách đây một ngày: “Tôi không sợ đội có sự mất đoàn kết mà sợ một điều thuộc về yếu tố chuyên môn. Cầu thủ tập nặng quá mức, cơ thể bị quá tải và đến lúc không thể nhồi được nữa thì dẫn đến ức chế thần kinh. Hậu quả là không tiếp thu được ý đồ chiến thuật, hoặc còn tệ hơn nữa là tập cho xong. Lúc ấy thì chẳng ai cứu được U.23 nữa đâu!”.
Lan Phương
Bình luận (0)