Những gia đình thể thao nổi tiếng: Nhà của những người vô địch

20/03/2015 06:12 GMT+7

Ông Lê Văn Gặp có 5 người con đều là VĐV bóng bàn xuất sắc, trong đó 2 con đầu là Lê Văn Tiết và Lê Văn Inh nhiều lần mang vinh quang cho đất nước trong giai đoạn 1957 - 1970 ở các giải vô địch thế giới, châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Văn Gặp có 5 người con đều là VĐV bóng bàn xuất sắc, trong đó 2 con đầu là Lê Văn Tiết và Lê Văn Inh nhiều lần mang vinh quang cho đất nước trong giai đoạn 1957 - 1970 ở các giải vô địch thế giới, châu Á và khu vực Đông Nam Á.

 
 

 Lê Văn Tiết (thứ 2 từ trái sang) và Lê Văn Inh (thứ 4 từ trái sang), năm 1961 - Ảnh: nhân vật cung cấp
Lê Văn Tiết (thứ 2 từ trái sang) và Lê Văn Inh (thứ 4 từ trái sang), năm 1961 - Ảnh: nhân vật cung cấp

 
 
Đánh bóng bàn theo kiểu... quần vợt
 
 
Rất ham mê thể thao nên ông Gặp tự tay đóng một bàn bóng với ý định để bà con, anh em có thể chơi bóng bàn ngay tại nhà mình. Thế nhưng, những người cụ nhắm đến lại mê bóng đá hơn nên cậu bé Tiết đang tuổi lên 8 được ưu tiên vào tập trước với cha. Ông Gặp nguyên là một VĐV quần vợt, không hiểu có cố tình muốn đưa sự dũng mãnh của môn quần vợt vào hay không mà đã đem kỹ thuật “lăn tay, lấy trớn” cho bóng nỉ áp dụng cho bóng nhựa vốn cần “sử dụng cổ tay, đánh lăn tròn” để giải quyết nhanh gọn các tình huống bóng.
 
Ông Tiết nhìn nhận: “Nhờ tập theo kiểu quần vợt của cha mình, lực đánh của tôi sau này rất mạnh và trở thành VĐV thiên về tấn công”. Chính ông Tiết là người đầu tiên trên thế giới sử dụng cú đánh phản công để đánh bại nhiều tay vợt bóng bàn hàng đầu thế giới trong thập niên 1950 như: cựu vô địch châu Á Tiết Thủy Sơ (1952), cựu vô địch Á vận hội Lý Quốc Định (1958); các cựu vô địch thế giới Bergmann (1948 và 1950), Johnny Leach (1949 và 1951), Tanaka (1955 và 1957)… Chính ông cùng danh thủ Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được đã quật ngã chủ nhà Nhật Bản 5-3 trong trận chung kết, đoạt HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự ASIAD 1958.
 
 
Em kế của Lê Văn Tiết là Lê Văn Inh nổi bật với chức vô địch bóng bàn đơn và đồng đội nam ở SEAP Games 1967, hạng 5 đơn châu Á 1967, được Phân bộ ký giả thể thao vinh danh là “Lực sĩ số 1 VN năm 1967” (trước 1975, VĐV được gọi chung là “lực sĩ”). Anh còn đoạt HCĐ đồng đội nam Á vận hội 1962 và giải vô địch châu Á 1972. Em trai tiếp theo là Lê Văn Tân từng đại diện VN tham dự 3 giải vô địch châu Á. Đặc biệt, tại giải vô địch châu Á lần 10 tổ chức ở Nagoya (Nhật Bản), cả 3 anh em họ Lê đều cùng có mặt: Lê Văn Tiết trong vai trò HLV, Lê Văn Inh là VĐV đội tuyển, Lê Văn Tân là VĐV đội tuyển trẻ.
 
 
Hai con gái sau cùng của ông bà Lê Văn Gặp cũng có thành tích đáng kể như: Lê Thị Kim Tiếng vô địch đơn nữ toàn miền Nam (1972, 1973 và 1974), vô địch đơn nữ toàn quốc 1981; em út Lê Thị Kim Hoàng vô địch đôi nữ toàn quốc (cùng Kim Tiếng).
 
 
Gò công kết hợp phản công
 
 
Ngoài việc cùng cha mình dẫn dắt các em tập luyện, ông Lê Văn Tiết còn dành nhiều thời gian chỉ bảo các con của mình đến với bóng bàn. Tất cả 7 người con của ông gồm: Phương Thảo, Phương Lan, Trung Tín, Phương Thủy, Phương Trang, Trung Thành và Trung Trực đều là VĐV kiện tướng và cấp 1, năng khiếu quốc gia. Xu hướng hiện đại là tấn công nên ông Tiết dạy con theo hướng “gò công kết hợp phản công”, áp dụng việc ngửa vợt mặt gai để khống chế sức tấn công của đối thủ, sau đó lựa thế để tấn công.
 
 
Nhờ được tập theo hướng này, Lê Ngọc Phương Lan từng lên ngôi vô địch đôi nam nữ toàn quốc 1990 (cùng Trần Tuấn Anh B), HCB đơn nữ giải cây vợt mạnh toàn quốc 1986, HCĐ đôi nam nữ toàn quốc 1989 (với Lý Minh Triết). Còn Lê Trung Thành là vô địch thiếu niên toàn quốc 1987, thắng đương kim vô địch Vũ Mạnh Cường.
 
 
Dù tuổi đã cao, ông Tiết vẫn còn huấn luyện người chơi bóng bàn ở Trung tâm TDTT Tân Thới Hòa (Q.Tân Phú, TP.HCM). Ông cùng em trai Lê Văn Inh còn tham gia viết nhiều sách về kinh nghiệm thi đấu và nhắc lại thời kỳ huy hoàng của bóng bàn VN để khuyến khích các VĐV trẻ hăng hái tập luyện.
 
 
Nhựt Quang
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.