Không chỉ bàn về mơ ước sở hữu ô tô tại Việt Nam, hãng thông tấn Anh còn mổ xẻ việc “sính ngoại” và thích sở hữu xe sang phản ánh đẳng cấp của người Việt.
>> Nhập khẩu 'ngon ăn' hơn đầu tư
>> Reuters: 8/10 người Việt không có ô tô vẫn đi học bằng lái
Theo số liệu nghiên cứu Economist Intelligence Unit, số lượng gia đình Việt Nam có tài sản từ 100.000 USD đến 2 triệu USD đang tăng và là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tổ chức này tin rằng nó sẽ giúp đẩy mạnh doanh số xe sang tại một đất nước có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.500 USD.
Hãng xe siêu sang Rolls-Royce cũng đã tham chiến thị trường Việt, tiếp theo là đối thủ Bentley
|
Nắm bắt xu thế này, nhiều thương hiệu xe sang, siêu sang, siêu xe danh tiếng như Rolls-Royce, Bentley, Jaguar, Lamborghini… đồng loạt đặt chân lên mảnh đất hình chữ S trong năm 2014. Giới nhà giàu Việt giờ có thể yên tâm hưởng các dịch vụ chính hãng khi sở hữu xe thay vì phải tốn kém đưa xe ra nước ngoài khắc phục mỗi khi có sự cố hoặc liều “chọn mặt, gửi xe” cho các xưởng sửa chữa không đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
Theo các số liệu mà Reuters thu thập được thì BMW đã đạt mức tăng trưởng trung bình 20-30% từ năm 2007 đến nay, nhiều hơn so với thị trường Philippines và chỉ chịu đứng sau Thái Lan, Malaysia trong cùng khu vực. Hãng thông tấn Anh cũng dẫn lời ông Horst Herdtle, Giám đốc Euro Auto Việt Nam - Đơn vị phân phối xe BMW, Mini tại thị trường Việt Nam: “Người Việt đang làm giàu nhờ kinh doanh. Họ muốn chiếc xe của họ phản ánh sự thành công đó”.
Phân khúc xe sang tại Việt Nam đang phát triển mạnh bởi bộ phận người Việt giàu có tăng nhanh
|
Không chỉ yêu thích xe sang, nhà giàu Việt còn muốn nó khác biệt. Andreas Klingler, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam chia sẻ với Reuters: “Hầu hết khách hàng của tôi thích tự tùy chọn trang bị cho chiếc xe mơ ước của mình”. Ông này cũng tiết lộ hiện đang có gần 100 khách hàng chờ đợi nhận xe Porsche, hầu hết trong số họ đều muốn trang bị thêm những phụ kiện mới.
Việc người Việt sính hàng ngoại không phải chuyện lạ, nó tồn tại ở hầu hết các mặt hàng lớn nhỏ, giá trị cao hay thấp. Ngay trong ngành công nghiệp ô tô, chỉ cần nhìn vào con số 71.045 xe nhập khẩu trong năm 2014, tăng 102% so với năm trước, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đã đủ thấy sức hút này. Hiện tại, người tiêu dùng Việt đang chuộng xe nhập nguyên chiếc từ Ấn Độ nhờ mức giá mềm hơn, tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu sẽ về 0% từ khu vực ASEAN.
Nhiều nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang cân nhắc chuyển sang nhập khẩu
|
Reuters cũng cho biết các nhà nhập khẩu xe tại Việt Nam đang mong chờ thời khắc 2018 đến gần khi thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước trong khu vực Đông Nam Á được xóa bỏ. Họ cho rằng thuế nhập khẩu cao như một hệ thống phanh kìm hãm sự phát triển tự nhiên của thị trường. Bản thân Toyota cũng đang cân nhắc xem có nên tiếp tục lắp ráp xe trong nước hay không trong một chia sẻ gần đây.
Như vậy, với tâm lý thích sử dụng hàng ngoại nhập đã tồn tại từ lâu trong tâm lý người tiêu dùng cùng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe xuống còn 0% từ các nước ASEAN kể từ năm 2018, các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đang đứng trước những nghi ngại, phân vân giữa việc tự sản xuất hay đi buôn. Tất cả dường như đang mong chờ chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía Nhà nước trước khi có quyết định “sinh tử”.
Phong Trần
>> Giảm thuế nhập khẩu ô tô không làm giảm giá xe trong nước
>> Xe hơi nhập khẩu giảm mạnh
Bình luận (0)