Thí điểm mô tô đi đường cao tốc: Lợi ít, lo nhiều

19/05/2015 06:05 GMT+7

Bên cạnh lợi ích dành cho người chơi mô tô vẫn còn đó những khúc mắc, trăn trở của không ít người về an toàn xoay quanh việc thí điểm cho phép mô tô đi đường cao tốc.

Bên cạnh lợi ích dành cho người chơi mô tô vẫn còn đó những khúc mắc, trăn trở của không ít người về an toàn xoay quanh việc thí điểm cho phép mô tô đi đường cao tốc.

>> Tai nạn mô tô ở Đồng Nai lên báo nước ngoài
>> Sẽ thí điểm cho mô tô phân khối lớn vào đường cao tốc
>> Thí điểm mô tô đi vào đường cao tốc: Bộ Giao thông 'cởi trói' cho xe PKL

Đề xuất cho thí điểm mô tô đi vào đường cao tốc, cụ thể là 3 tuyến đường Hà Nội - Lào Cai; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT ) và Tổng cục Đường bộ đã gây tranh cãi lớn trong nhiều bộ phận người dân thời gian gần đây. Từ người chơi xe phân khối lớn (PKL) đến người đi xe phân khối nhỏ (PKN) và lớn hơn là các bác tài chạy xe 4 bánh thường xuyên lưu thông trên đường cao tốc. Có thể nói, chủ trương thí điểm cho mô tô đi vào đường cao tốc đang khiến không ít người mừng nhưng cũng khá nhiều người lo, tất cả vì “an toàn”.

 
Câu hỏi đặt ra với thí điểm cho mô tô đi đường cao tốc là liệu có an toàn

Dễ dàng nhận ra, với việc thí điểm cho chạy mô tô đi vào đường cao tốc dân chơi xe PKL mừng nhất sau bao ngày kiến nghị để được lưu thông. Trước đây, đường cao tốc vẫn là cấm địa với những chiếc xe hai bánh, 3 bánh và chỉ dành riêng cho 4 bánh. Ngay cả những chiếc mô tô PKL có thể chạy ở tốc độ cao cũng không được phép lưu thông. Trong khi đó, ở hầu hết các cung đường tốc độ tối đa cho phép cũng chỉ giới hạn ở mức 40-60 km/giờ.

Điều này khiến không ít người chơi PKL phải lo ngay ngáy bởi những chiếc xe PKL nhanh chóng nóng máy và xuống cấp khi thường xuyên chạy ở tốc độ dưới mức “cho phép”. Ngoài ra, nhiều tay chơi xe PKL không khỏi bí bách khi thường xuyên phải chạy xe ở tốc độ thấp tương đương xe hai bánh 110 phân khối thông thường trong khi đang cưỡi “mãnh thú” từ vài trăm đến cả ngàn phân khối. Chính vì vậy, cái lợi đầu tiên của thí điểm cho mô tô đi vào đường cao tốc là dành cho người chơi xe PKL.

Nhiều người cho rằng, việc cho mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bớt đi tiếng ồn ào do nẹt pô hay những phen hú vía vì chiếc xe PKL bất ngờ lạng lách, đánh võng qua. Tuy nhiên, những hành động này chỉ đến từ một bộ phận nhỏ người chơi xe PKL, hầu hết là các tay lái trẻ thích thể hiện. Và tất nhiên, dù có cho phép chạy vào đường cao tốc thì những người “thích thể hiện” vẫn muốn nẹt pô, lạng lách trên phố hơn.


Mô tô PKL được thiết kế để chạy ở tốc độ cao, việc thường xuyên lưu hành ở tốc độ thấp khiến động cơ nhanh xuống cấp

Hơn nữa, dù có cho xe PKL chạy trên cao tốc thì loại xe này vẫn được sử dụng cho mục đích lưu thông ở các khu vực đông dân cư, thành phố là chính bởi nơi đây tập trung phần lớn những người sở hữu loại xe này. Chính vì vậy, việc đi trên đường cao tốc thường dành cho những chuyến đi xa nhiều hơn. Thậm chí, với đam mê “khám phá, chinh phục” của mình, chưa chắc người chơi xe PKL đã ưu tiên chọn đường cao tốc thay vì chạy trên những cung đường lắt léo với cảnh đẹp nên thơ trong những hành trình xa.

Như vậy, việc cho xe PKL chạy đường cao tốc để tránh những nguy hiểm tiềm ẩn khi loại xe này lưu thông cùng những phương tiện có tốc độ thấp hơn trên đường dân sinh là chưa khả thi mà chỉ hạn chế phần nào. Những băn khoăn về an toàn lại đẩy về đường cao tốc, nơi ô tô và mô tô chuẩn bị lưu thông chung một con đường.

Nhiều người cho rằng việc cho phép mô tô vào đường cao tốc là cực kỳ nguy hiểm bởi đường cao tốc tại Việt Nam vẫn chủ yếu được thiết kế dành cho ô tô. Nói về điều này với VOV, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết đường cao tốc tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế nên ô tô xe máy có thể lưu hành với tốc độ cao đúng quy định. Ông Liên cũng cho rằng để đảm bảo an toàn, lái xe mô tô cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức về an toàn cũng như đồ bảo hộ cho cả bản thân và người ngồi sau (nếu có).

Trên thực tế, việc lưu thông đều ở tốc độ cao trên đường cao tốc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn liên hoàn rất lớn nếu 1 tài xế xao nhãng hoặc có sự cố bất ngờ. Hiện nay, đường cao tốc Việt Nam vẫn chưa có làn riêng dành cho loại xe khác ngoài ô tô. Chính vì vậy, nếu lưu thông trên đường cao tốc, mô tô sẽ chạy chung làn với ô tô. Với lợi thế nhỏ gọn, tốc độ cao nếu mô tô luồn lách vượt qua ô tô có thể khiến các tài xế “4 bánh” bị rối cả trong quan sát và xử lý.


Thí điểm cho phép mô tô đi vào đường cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn bất ngờ

Nếu không may có va chạm xảy ra rất dễ dẫn đến va chạm liên hoàn do hầu hết các phương tiện đều lưu thông ở tốc độ cao và không phải lúc nào cũng duy trì khoảng cách an toàn. Hơn nữa, việc những chiếc ô tô, xe tải, xe khách cỡ lớn lưu thông ở tốc độ cao sẽ tạo lên lực hút gió rất lớn khiến mô tô có thể mất thăng bằng khi đi quá gần.

Trong tất cả những tranh cãi về thí điểm cho xe mô tô vào đường cao tốc hầu hết ý kiến đều tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, ý thức khi chạy xe trên đường cao tốc, đặc biệt là đối với người lái mô tô. Mọi ý kiến đều cho rằng con người mới là mấu chốt quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và điều này cũng quyết định tới việc thí điểm đưa mô tô vào đường cao tốc là đúng đắn hay sai lầm.

Đức Cảnh
Ảnh: Thái Nguyễn

>> Thú chơi mô tô tại Việt Nam - Kỳ 2: Biker hay quái xế?
>> Thú chơi mô tô tại Việt Nam - Kỳ 1: Đam mê cần có giới hạn
>> ‘Cơn bão’ mô tô PKL nhuộm đỏ thành phố Hoa Phượng
>> Ghìm cương ‘mãnh thú’ Ducati Hyperstrada 2014
>> Softail Deluxe 2014: 'chất' phong trần đầy cuốn hút

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.