|
Những ngày ở Sài Gòn đã khiến ông trở thành bạn của Sean Flynn và Dana Stone - những tay sừng sỏ nhất của giới phóng viên nước ngoài đang đổ vào Việt Nam ở đỉnh cao cuộc chiến. Ông không biết rằng, chỉ 2 năm sau, ông mãi mãi mất 2 người bạn trong cuộc chiến này.
Perry Deane Young dành cuộc trò chuyện tháng Tư này cho Thanh Niên Online, kể về những mất mát đó.
* Ông đã ở Sài Gòn đúng vào Mậu Thân 1968, một trong những thời điểm cực kỳ khắc nghiệt của chiến tranh. Trong tuổi trẻ ấy, ông nhớ bao nhiêu về Sài Gòn? Chuyện gì đã xảy ra trước mắt ông khi vừa xuống máy bay?
- Perry Deane Young: Tôi cực kỳ trẻ và khờ khạo. Đêm Tết Mậu Thân, khi tôi vừa đến thì những quả pháo Tết bay khắp nơi. Tôi vào nhận phòng ở khách sạn Majestic và đi một vòng, dự phần vào tất cả những bữa tiệc “Năm Mới” mà tôi thấy xung quanh đó. 3 giờ sáng, trưởng văn phòng phân xã gọi tôi và nói: “Vào việc đi nếu cậu đang ở trên đường, Sài Gòn đang bị tấn công”. Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Tôi đã sợ và nghĩ mọi thứ như có vẻ không thật trước mắt tôi... hoặc tôi không phải là một phần của cuộc chiến này, cứ như thể tôi đang xem một bộ phim. Lạ lùng là tôi chưa bao giờ cảm thấy nguy hiểm đến với mình. Tôi là một người chuộng hòa bình từ trước khi đến Việt Nam, vì thế tâm lí tôi nghĩ rằng tôi chỉ là người quan sát, không dự phần gì trong cuộc chiến này. Tôi chống lại những gì Tổ quốc tôi làm, tôi không phải người lính mà chỉ là một người quan sát khách quan cho tất cả những thứ đang xảy ra.
|
* Có bao giờ ông hối tiếc vì đã đến Sài Gòn vì một bài viết, nơi chỉ toàn máu, người chết và chiến tranh?
- Không, không hối tiếc gì cả, đến tận bây giờ. Có những thứ bạn chỉ có thể học được từ chiến tranh chứ không thể học từ nơi nào khác. Và bên trong sự kinh hoàng của nó, bên trong sự tàn bạo của cảnh những người trẻ chém giết lẫn nhau theo mệnh lệnh, vẫn còn những khoảnh khắc rất con người để cân bằng với sự khủng khiếp.
|
Khi Perry Deane Young đến Sài Gòn, Dana Stone và Sean Flynn đã nổi tiếng khắp các trang báo Mỹ nhờ vào những tấm ảnh khốc liệt, mà họ đứng ngay sát trung tâm cuộc chiến tranh. Từ bỏ sự nghiệp làm diễn viên điện ảnh, Sean Flynn đến Việt Nam, để sống “một tuổi trẻ”. Anh đã chụp ảnh những cuộc tra khảo trên đường phố, nằm trong công sự và đem về khoảnh khắc binh lính ở cả hai phe rã rời vì súng đạn trên các trang tin tức Mỹ bấy giờ. Thậm chí, Sean Flynn đã chứng kiến những cuộc tra tấn tàn bạo diễn ra với dân thường và viết lên báo.
Dana Stone vào Việt Nam từ năm 1965 và ở trong cuộc chiến suốt 5 năm cùng với người vợ mình. Trong nhiều ảnh của Dana Stone, người ta thấy sự khốn khổ của người dân thường khi hai bên giao tranh, những đứa bé bị chết, người mẹ bồng con chạy bom... Ngày 06.04.1970, Sean Flynn và Dana Stone trên hai chiếc honda 67, được người bạn cuối cùng chụp lại một tấm ảnh, và quyết định lái xe vào Campuchia để tường thuật những giao tranh mới. Họ không bao giờ trở về nữa...
|
* Ông đã gặp Sean Flynn và Dana Stone thế nào? Lần đầu tiên ấy, trông họ ra sao?
- Tôi gặp cả hai người ở hãng UPI. Họ đều làm việc cho UPI, mặc dù Sean sau đó đã chuyển qua Time và Dana được AP thuê. Họ là những người phi thường, và tôi cảm thấy điều đó ngay khoảnh khắc đầu tiên. Tôi biết mình thật quá đỗi may mắn khi được làm bạn với những con người tài năng và dũng cảm đến vậy.
* Ông có thấy họ sợ cuộc chiến không?
- Tôi không nghĩ là bất cứ ai trong chúng tôi lại phải đối mặt với cái nguy cơ rất thật của cuộc chiến mà chúng tôi nhìn thấy mỗi ngày ngoài kia. Ban đầu, rất ít phóng viên bị thương hay bị bắt. Tình hình dần thay đổi khi Khmer Đỏ xuất hiện. Flynn và Stone biết rất rõ những nguy hiểm rình rập khi họ quyết định lái xe máy vào Campuchia ngày hôm đó. Sợ hãi ư? Chắc chắn là có chút gì đó. Nhưng đó lại là một phần hồi hộp khi chứng kiến cuộc chiến tranh.
|
* Ông mô tả ngày định mệnh đó, 06.04.1970, Flynn và Stone tranh cãi trước khi trèo lên xe máy đi vào Campuchia. Liệu có người bạn nào đã cố ngăn không cho họ đi chuyến đó?
- Sự nguy hiểm đã quá rõ ràng, những phóng viên khác đã nhanh chóng rời khu vực đó khi tài xế của họ hoảng loạn vì nhìn thấy biển chặn đường. Tôi đã rời Việt Nam vài tháng trước đó khi người bạn thân của tôi, Tim Page, bị thương nặng và tưởng chừng không thể sống sót. Khi tôi rời Việt Nam, tôi biết sẽ không có gì đo đếm được như những trải nghiệm này. Tôi nhớ mình đã ngồi ở một quán bar trong làng Greenwich và nói với một người bạn: “Tôi thấy cuộc đời mình như đã ở trong quá khứ hết cả”. Khi ấy tôi chỉ mới 28 tuổi, chán chường, mệt mỏi với công việc viết báo ở New York; vì thế, khi họ gọi tôi đêm hôm đó để nói về sự mất tích của Flynn và Stone, tôi đã ước mình ở đó với họ...
* Nỗi đau khi mất những người bạn ở một cuộc chiến xa xôi, ở những nơi không có gì cả và người Mỹ chưa từng biết đến, như thế nào?
- Là một mất mát khủng khiếp. Họ là những người bạn thú vị nhất tôi từng gặp trong đời. Nhưng sự thật là, tôi không ngạc nhiên. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thấy họ già đi như mỗi chúng ta trong đời này. Họ như những người mãi trẻ trung, đẹp hệt như trong bức ảnh chụp 10 phút trước khi họ mất tích, ăn mặc như thể đang có một ngày đầy nắng trên bãi biển California chứ không phải cuộc chiến ở Campuchia. Chúng tôi không phải những người lính đến đây mà không hề thích thú gì, chúng tôi đến đây bởi vì chúng tôi muốn chứng kiến. Và ai cũng hiểu những nguy hiểm rình rập.
* Người ta đã tìm kiếm khắp nơi ở Campuchia để tìm ra thi thể của Sean và Dana, ông nghĩ gì về những cuộc tìm kiếm đó? Có bao giờ ông tưởng tượng mình sẽ đứng trước hố đất và thấy thi hài của họ được móc lên từ dưới bùn không?
- Có hàng triệu thi thể nằm khắp nơi trên những cánh đồng chết của Campuchia, tôi thành thật không thể tưởng tượng ai có thể nhặt một cái xương đầu người lên và nói đó là của Sean hay Stone. Quan trọng hơn, tôi không chắc là mình thích làm điều đó. Tôi không muốn “kết thúc” cái chết của họ. Họ vẫn còn sống trong tâm trí tôi, tôi thường nghĩ về họ. Không giống như những người vẫn còn sống sót, họ không trở về để đeo vòng nguyệt quế, tên của họ sẽ không chết trước những người khác. Họ mãi mãi trẻ trung trong tấm ảnh đó, đầy sức sống và rất tuyệt khi ngồi trên motor và phóng đi vào cuộc phiêu lưu mới.
* Sau khi Stone mất tích, ông có gặp vợ anh ấy không? Cô ấy phản ứng thế nào? Còn gia đình của Flynn?
- Vợ Dana, Louise đã theo chồng khi anh ấy đến Việt Nam và Phnom Penh. Cô gọi cho tôi ngay lập tức sau khi họ bị bắt. Cô là một phụ nữ nhỏ nhắn và ít nói, có vẻ vậy, nhưng lập tức Louise trở nên hệt như một con hổ sau khi biết Dana của cô ấy bị bắt - Louise đã đi khắp thế giới, tìm gặp tất cả những lực lượng, cơ quan, cố gắng giải thích là Dana của cô chỉ là một phóng viên ảnh, không phải kẻ thù hay quân địch. Cô không bao giờ từ bỏ, và sau đó mất trong một thị trấn nhỏ ở Cynthiana, Kentucky. Cũng không khác gì, mẹ của Flynn, một diễn viên người Pháp, bà Lili Damita, không bao giờ từ bỏ hy vọng về đứa con trai Sean yêu dấu của bà. Bà không thích ý tưởng con trai bà sẽ đi vào chiến tranh và có lẽ bà không bao giờ nghĩ rằng con mình có thể đi mà không về như vậy. Sau rất nhiều năm, cuối cùng mẹ Flynn mới chấp nhận công bố là anh ấy đã chết.
* Sau 1968, ông có làm thêm các tường thuật khác về chiến tranh Việt Nam không? Vì sao ông quyết định trở về Mỹ?
- Mậu Thân 1968 chỉ mới là điểm bắt đầu cho kinh nghiệm của tôi. Tôi đã đi đến Khe Sanh, Huế... và kỳ lạ là, mọi nơi cứ như một thế giới không thực trước mắt tôi. Tôi nhảy xuống khỏi một máy bay đang bốc cháy ở Khe Sanh. Tôi lao xuống hầm trú ẩn, và lập tức thấy một cái cẳng chân dài của người chết bị xé ra vì mảnh đạn thép nằm ngay cạnh tôi, chỉ cách tôi một đoạn. Tôi không hiểu đó là gì. Sự sợ hãi nhấn chìm tôi chậm chạp, nhưng vĩnh viễn. Sự kinh khủng của những mạng người bị chết ở cả hai phe và sự hủy diệt những cánh đồng tuyệt đẹp... đó là những gì ám ảnh tôi đến tận giờ.
|
* Tôi có thấy người ta nói ông tham gia vào hoạt động chống chiến tranh sau khi về nước? Tại sao?
- Tôi thấy cuộc chiến là một sự ghê tởm, một sai lầm thảm hại của lịch sử Mỹ. Tôi đã tham dự tất cả những cuộc tuần hành ở Washington khi tôi trở về từ Việt Nam. Đó là một khoảng thời gian đầy xúc động, khi cùng hát: “Tất cả những gì chúng ta cần là cho hòa bình một cơ hội”. Và quả nhiên những cuộc biểu tình đó có hiệu quả. Phải tốn một thời gian rất dài và đau đớn để mọi chuyện diễn ra, nhưng cuối cùng chiến tranh đã hết và những cuộc chém giết đã ngừng lại.
* Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Perry Deane Young trở về Mỹ sau một số năm tường thuật chiến tranh Việt Nam. Ông đã viết quyển hồi ký “Two of the missing”, viết về Dana Stone và Sean Flynn. Đây được xem như là một trong những hồi ký đầy đủ, nhiều khía cạnh và trọn vẹn nhất về hai phóng viên dũng cảm này. Sau sự mất tích của họ là nỗi đau của cuộc chiến, những dằn vặt của các đồng nghiệp và cả khoảnh khắc trẻ trung và đầy khao khát của Sean và Dana khi họ đến với cuộc chiến Việt Nam. Họ muốn cả thế giới biết đến những mất mát vô lý trong cuộc chém giết đó. |
Khải Đơn
Các ảnh tư liệu từ sách “Two of the missing”
>> Ly kỳ chuyện "cựu binh Mỹ" tự nhận "sống tại Việt Nam 44 năm
>> Cựu binh Mỹ từng cộng tác với Việt Minh qua đời
>> Cựu binh Mỹ và "đối thủ đáng kính" - Kỳ 2: Cuộc gặp gỡ mùa xuân
>> Cựu binh Mỹ tặng quà nạn nhân chất độc da cam
>> Một cựu binh Mỹ đi tìm chân dung Hồ Chí Minh
>> Hòa hợp - hòa giải cần đôi mắt mới
Bình luận (0)