Nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hùng (SN 1950) là một đồng nghiệp lớp đàn em của bà Đặng Bích Hà tại Viện Sử học. Năm 1973, ông cùng về xây dựng Ban Đông Nam Á (nay là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Nhớ về người đồng nghiệp đáng kính, ông Hùng kể lại:
"Có những nhân vật lịch sử có những phẩm chất, tư chất đặc biệt đáp ứng được những hoàn cảnh, đòi hỏi đột xuất của lịch sử. Bà Đặng Bích Hà là một người như thế. Bà sinh ra không phải để làm một nhà nghiên cứu hoặc giảng dạy lịch sử. Có lẽ gout và tạng của nhà bà là văn chương, nhưng bà Hà chỉ thích đọc "gậm nhấm" văn chương mà thôi, khác với các người em (PGS Đặng Thị Hạnh, GS Đặng Thanh Lê, PGS Đặng Anh Đào - NV) có khiếu nghiên cứu khác. Nhưng không ai đóng được vai mệnh phụ phu nhân như bà Hà. Với những kiến thức lịch sử thì chỉ làm hoàn hảo thêm cho vai trò mệnh phụ phu nhân ấy. Điều này thể hiện rõ trong những lần bà Đặng Bích Hà cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp hoàn hảo bà hoàng Monique, phu nhân của Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk, hay vợ của Hoàng thân Lào Souphanuvong... và bao nhà chính khách quốc tế cùng vợ con họ. Vì thế, mặt nổi không ai có thể làm được như bà đã lu mờ mặt công tác chuyên môn của bà. Có lẽ đây (mệnh phụ phu nhân) mới là đóng góp không ai có thể thay thế được".
Sinh ngày 4.4.1928, tại quê nội làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An, bà Đặng Bích Hà là con gái đầu của học giả Đặng Thai Mai (nhà trí thức được đương thời đánh giá là Nghệ Tĩnh tứ kiệt: Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy và Đặng Thai Mai). Tốt nghiệp tú tài triết học tại trường Lycée Albert Sarraut đúng khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, bà hăng hái tham gia phụ trách Đội thiếu nữ tiền phong cổ vũ cách mạng. Cũng chính thời gian này, bà gặp lại một người thân cũ của gia đình - Võ Nguyên Giáp - người học trò, đồng nghiệp và bạn vong niên của GS Đặng Thai Mai. Bà đã gắn bó cuộc đời của mình với Võ Nguyên Giáp từ ngày 27.11.1946, sau đó theo chồng tản cư lên Việt Bắc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Công tác tại Bộ Quốc phòng cho đến ngày chiến thắng, trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bà Đặng Bích Hà thi đỗ và vào học tại khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội được mở trong khuôn viên Đại học Đông Dương cũ trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội).
Nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long (1932 - 2022), một bạn đồng môn sau này, cũng là đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, luôn nhớ đến hình ảnh nữ sinh viên Đặng Bích Hà đến trường chuyên cần như mọi sinh viên khác. Kết thúc khoá học, bà đỗ tốt nghiệp loại giỏi (ưu hạng) và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa Lịch sử. Cô giáo Đặng Bích Hà là một trong những giảng viên "tiền bối" của tổ bộ môn lịch sử thế giới (cùng với các thầy Phạm Huy Thông, Lê Văn Sáu, đồng nghiệp Đặng Đức An, Phạm Gia Hải, Phan Ngọc Liên, Lương Ninh…). Cùng các thầy và đồng nghiệp, bà đã góp phần đào tạo được nhiều giảng viên đại học và nhà nghiên cứu lịch sử thế giới kế cận tài danh: GS Nguyễn Đức Nghinh (ĐHSP Hà Nội), PGS Nguyễn Xuân Trúc (Viện Khoa học giáo dục), PGS Võ Xuân Đàn (ĐHSP TP.HCM)…
Trong ký ức của PGS-TS Trần Đức Minh, nguyên Hiệu trưởng trường CĐSP Nam Định, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Nam Định, sinh viên khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội (khoá 1964 - 1968), vẫn không thể nào quên được năm 1965, chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ lan rộng ra miền Bắc. Sau một năm học ở thủ đô, 58 sinh viên nam nữ của khoá được lệnh ba lô lên vai, gồng gánh sách vở, phương tiện dạy học sơ tán lên núi rừng Việt Bắc ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ông Minh kể rằng những năm tháng này ông và các bạn đồng môn đã trưởng thành nhiều cả về trí tuệ lẫn đạo làm người.
PGS.TS Trần Đức Minh nhớ lại: "Nơi sơ tán, thầy trò chúng tôi đã tự làm lán ở, tự dựng nhà học, tự làm bàn ghế bằng tre, nứa để học. Vừa làm, vừa học dựa vào sự giúp đỡ của bà con cô bác nơi sơ tán để học. Ngày ngày, sau giờ lên lớp, chúng tôi vào rừng đẫn cây, ăn sắn, ăn ngô với măng rừng và muối đậu tương. Có điều thật kỳ diệu là những tháng năm gian khổ ấy, trong mỗi người sinh viên Lịch sử chúng tôi luôn cháy lên ngọn lửa khát khao kiến thức, khát khao trí tuệ…
Suốt đời chúng tôi không thể nào quên được những bậc thầy ấy, những con người thực sự khổng lồ, mà nhờ họ chúng tôi đã đi những bước vững vàng trên cuộc đời. Chúng tôi may mắn và hạnh phúc được là học trò của thầy Phan Ngọc Liên, Trần Văn Trị mẫn tiệp trong trí tuệ và bao dung trong cuộc sống; của cô Ngô Thị Chính, Đặng Bích Hà sắc sảo trong tư duy và dịu hiền, lịch lãm trong xử thế…".
Khi được tin PGS Đặng Bích Hà qua đời, ông Trần Đức Minh tiếc rằng tuổi đã cao, sức đã yếu, ông không thể lên Hà Nội để thắp nén hương viếng và chia buồn cùng gia đình cô giáo được. "Tôi đành gửi qua tình cảm cùng các bạn bè với cô, thương nhớ cô giáo Đặng Bích Hà với một lòng kính trọng, một cô giáo mãi mãi không thể quên được trong cả cuộc đời của tôi", PGS-TS Trần Đức Minh bày tỏ.
Còn PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội, ôn lại trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập khoa Lịch sử (trường ĐHSP Hà Nội): "Ai đã từng học ở khoa Lịch sử thì không thể quên được những bài giảng hay, hấp dẫn, hùng biện của các thầy Phạm Gia Hải, Phạm Hữu Lư, Nguyễn Anh Thái, Nguyễn Xuân Trúc, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Lam Kiều, các cô Đặng Bích Hà, Nguyễn Ngọc Quế. Chính các thầy, cô đã làm rạng rỡ bộ môn Lịch sử Thế giới".
Từ bộ môn Lịch sử Đông Nam Á ở khoa Lịch sử Trường ĐHSP Hà Nội do PGS Lê Văn Sáu sáng lập xây dựng, dưới sự hướng dẫn khoa học của GS-VS Phạm Huy Thông, trong bộ giáo trình "Lịch sử thế giới" của trường, những vấn đề lịch sử các nước khu vực Đông Nam Á (mà hồi đó gọi bằng thuật ngữ Trung Ấn) chiếm vị trí trang trọng với số trang thích hợp.
Chủ nhiệm khoa Lê Văn Sáu đã trực tiếp tổ chức và chỉ đạo một nhóm cán bộ giảng dạy chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, bao gồm Đặng Đức An, Đặng Bích Hà, Phan Ngọc Liên, Phạm Hữu Lư… Từ đây, việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử các nước Đông Nam Á đã được coi trọng. Đây cũng chính là tiền đề sau này vào năm 1973, bà Đặng Bích Hà chuyển công tác từ Ban Lịch sử Thế giới (Viện Sử học) sang xây dựng Ban Đông Nam Á (nay là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
Với vốn tri thức uyên sâu của mình, bà Đặng Bích Hà đã hướng dẫn những đồng nghiệp trẻ mới bước vào nghề. PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, vẫn nhớ những chỉ dẫn đầu tiên trong phương pháp nghiên cứu khoa học của bà. Khi chân ướt chân ráo về làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Nguyễn Duy Thiệu làm dân tộc học, còn bà Hà nghiên cứu về lịch sử. Kỷ niệm ấn tượng đó là chia sẻ của bà Hà: "Cháu làm dân tộc học thì chất liệu để làm nên các bài viết là tư liệu điền dã. Tuy nhiên khi viết mà chỉ kể câu chuyện điền dã thì bài viết sẽ nhàm chán. Thế nên, cháu phải đọc sách, đọc rất nhiều sách để khi viết phải dùng kiến thức lý thuyết diễn giải nguồn tài liệu điền dã, gọi là viết tương tác, thế thì bài viết mới hấp dẫn".
Nhưng giữa một biển tài liệu mênh mông, một cá nhân khó lòng có điều kiện để đọc hết, do đó, bà Đặng Bích Hà dặn dò tiếp: "Đọc ai, đọc tác phẩm nào cho tập trung thì cháu phải lựa chọn; khi chưa có đủ phông kiến thức để chọn thì hỏi các bậc thầy. Đặc biệt là khi trích dẫn lại càng phải chọn, bài viết nào trích ai và trích trong tác phẩm nào lại càng cần lựa chọn kỹ lưỡng. Ví dụ, lý thuyết về xã hội cổ đại phải trích Engels, lý thuyết hình thành giai cấp phải trích Karl Marx; về thời kỳ Hùng Vương phải trích của Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...".
Những lời khuyên chí tình này, PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu chia sẻ: "Cho đến nay, tôi cảm thấy những chỉ bảo chuyên môn của cô Hà vẫn còn nguyên giá trị".
Ông Nguyễn Hào Hùng kể tiếp: Từ đầu thập niên 1980, Ủy ban KHXH Việt Nam (dưới thời các GS-VS Phạm Huy Thông, GS Đào Văn Tập…) bắt đầu triển khai các chương trình hợp tác với nước ngoài thì Lào là địa bàn quan trọng đầu tiên. Các chương trình hợp tác với Bộ Giáo dục Lào về xuất bản 3 bộ giáo trình quốc gia về văn học, lịch sử, địa lý là những nền móng đầu tiên cho hình thành nền khoa học xã hội và nhân văn quốc gia của nước CHDCND Lào còn non trẻ.
"Chính trong thập niên 1980 này, bà Đặng Bích Hà đã có những đóng góp đáng kể với tư cách là người đứng đầu chuyên môn về sử học, cùng nhà sử học Phạm Nguyên Long lái con thuyền hợp tác với Lào với tư cách là chuyên gia của VN sang giúp Lào xây dựng ngành KHXH-Nhân văn. Tất nhiên trên cương vị là phu nhân của Đại tướng, một người bạn lớn của lãnh đạo và nhân dân các bộ tộc Lào, bà Đặng Bích Hà đã tranh thủ một cách tinh tế và khéo thúc đẩy mối quan hệ hợp tác khoa học giữa 2 nước, thắt chặt và phát triển quan hệ giữa đồng nghiệp hai nước", nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hùng chia sẻ thêm.
Những năm cuối thập niên 1990, bà Đặng Bích Hà mở rộng hướng nghiên cứu sang các đề tài về kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế hiện đại. Kết quả, bà có ra chung một cuốn sách với PGS-TS Nguyễn Thu Mỹ: "Thái Lan hành trình tiến đến câu lạc bộ các nước công nghiệp mới"./.
Bình luận (0)