img

Thuộc khuôn viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), phòng thí nghiệm của PGS-TS Lê Thị Kim Phụng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu) và cộng sự sở hữu một không gian xanh mát với sự hiện diện của cây xanh. Đó là nơi mà hằng ngày nhà khoa học nữ nuôi dưỡng tâm huyết với con đường tìm kiếm những giá trị tiềm ẩn từ những thứ tưởng như vứt đi: các phế phẩm nông nghiệp, để tạo ra nguồn nhiên liệu sạch, có nguồn gốc sinh học, phù hợp triết lý tôn trọng tự nhiên để phát triển bền vững.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 1.

Trước khi quan tâm đến các phế phẩm nông nghiệp như một đề tài khoa học, chị có ký ức nào gắn liền với tâm thức "thương nhớ đồng quê"?

Bố mẹ tôi tuy không phải là nhà nông nhưng suốt tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng theo những bước "du canh du cư" của gia đình: hết Biên Hòa tới Phước Long, lại Đồng Nai, Bình Thuận… Ngày đó ở đấy, gần như nhà ai cũng được phân cho một sào đất để cải thiện, trẻ con chúng tôi cứ ngoài giờ học là hào hứng vứt cặp, mải miết ra vườn hái bắp, trỉa đậu. Tới mùa nhổ đậu, học sinh còn được nhà trường cho nghỉ học để giúp ba mẹ thu hoạch, ngày hè thì làm cỏ sân trường, hoặc kéo nhau đi xem người lớn gặt đập lúa. Tôi mê rơm rạ chắc cũng là từ đó…

Ký ức đồng quê trong tôi vì thế luôn là một cái gì đó rất đỗi đầm ấm, thân thương về một thời nghèo mà không thấy cực, khó mà không thấy buồn, chỉ thấy toàn vui là vui.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng cùng nhóm nghiên cứu các sản phẩm aerogel composite và vật liệu khác từ chất thải rắn

Đào Ngọc Thạch

"Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/Cái mộc mạc lên hương của lúa/Đâu dễ chia cho tất cả mọi người…". Hẳn chị vẫn còn nhớ cái "hơi ấm ổ rơm" trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy mà chúng ta từng học? Và rơm rạ đã mang hơi ấm nào tới cho hành trang làm nghề của chị?

Tôi có biết và rất thích bài thơ đó. Hồi đi học, tôi học rất khá môn văn, không hiểu sao về sau lại theo khoa học tự nhiên.

Rơm rạ là thân thuộc, hơi ấm của sự thân thuộc, là nơi mà học trò thôn quê cứ đi học về là có thói quen quẳng cặp lăn vào đụn rơm nào đó bên đường để đùa nghịch; những món ăn ngày bé như miếng cơm cháy, niêu cá kho tiêu… cũng đượm mùi rơm rạ; là khói đốt đồng gợi nhắc quê hương trong ký ức những người con xa quê… Mỗi nông dân có thể nói là một "nhà khoa học", khi họ luôn nắm bắt được cốt lõi của tự nhiên và luôn biết cách tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi: trầu với cau là cả một bài toán dược liệu; rơm rạ khi đốt đồng vừa giúp tạo thêm chất mùn, trả lại mỡ màu cho đất, lại vừa giúp loại bỏ những vi sinh vật có hại cho cây trồng. Nhưng rơm rạ khi đốt lên ở quy mô lớn cũng có thể gây ô nhiễm không khí cho làng quê hay những khu đô thị ven đô vì sản sinh ra một lượng khí thải CO2.

Đó là lúc những nhà khoa học nhiều suy tư về nghề nông như chúng tôi "vào việc". Rơm rạ, vỏ trấu…, hay rộng hơn là các phế phẩm nông nghiệp, những thứ mà chúng ta vẫn quen vứt đi khi ăn hay chế biến hoa quả: vỏ táo, đài dứa, vỏ dứa, vỏ măng cụt… (trong khi nó chứa tới 70 - 80% hàm lượng, chất kháng ô xy có lợi cho sức khỏe), vừa lãng phí vừa gây áp lực cho môi trường. Những thứ tưởng chừng như vô giá trị đó, khi soi chiếu dưới cái nhìn khoa học, đều có thể cho ra những nguyên liệu sạch để giúp tạo ra những chuỗi sản phẩm có nguồn gốc sinh học - một xu hướng tất yếu khi nguồn nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt và tạo ra những hệ lụy khôn lường cho môi trường. Bạn có tin rằng một cái đế giày hay lót giày cũng có thể góp phần làm trái đất nóng lên không? Không phải ngẫu nhiên mà các đơn đặt hàng đến từ các thương hiệu giày uy tín của châu Âu đã đưa ra khuyến nghị rằng, tối thiểu phải có 30% nguyên liệu được sử dụng trong mỗi đôi giày phải có nguồn gốc sinh học. Cụ thể, chất liệu silica để sản xuất đế giày, trước đây có nguồn gốc hóa thạch, giờ được yêu cầu phải từ nguồn gốc sinh học…

Suy cho cùng thì cái gì thuộc về thiên nhiên đều phải trả lại cho thiên nhiên. Đường hướng phát triển sản phẩm mà tôi và cộng sự theo đuổi cũng là nằm trong quy luật đó. Bản chất tự nhiên là vậy, việc của chúng ta là trình bày đúng sự thật về nó, đưa tri thức vào để lần ra cốt lõi và gọi đúng tên của nó. Đó là lý do tôi tâm đắc với câu danh ngôn này: "Giá trị của sáng tạo không phải là sự mới mẻ, đó là sự thành thật" (Thomas Carlyle).

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 4.

Thiên nhiên và khoa học về nó đã dạy chúng ta điều gì?

Mọi cái được sinh ra trên đời này đều có lý do của nó. Đúng như câu thơ nổi tiếng: "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một phần lịch sử". Tới giờ này, sau một chặng dài miệt mài tìm kiếm các giá trị bị bỏ qua, tôi tin rằng chẳng có gì trên đời này là thừa cả, nếu như chúng ta biết cách trân trọng nó, gạn lọc những điều tốt đẹp nhất của nó và biết điều hướng nó tới miền sáng cần thiết cho vòng đời tuần hoàn của nó... Khi dạy học trò cách làm ra những sản phẩm giá trị từ những thứ bỏ đi, tôi hạnh phúc trao tới các em một bài học nhỏ: đừng bao giờ bỏ qua những giá trị chưa hiển thị hoặc bị khuất lấp. Giá trị nằm trong chính mắt nhìn và bộ lọc của người dùng. Biết đủ là đủ, nhưng biết thiếu, biết thừa, cũng là đủ!

Chị không ủng hộ những chỉnh sửa lỗi?

Chỉnh sửa lỗi là cần thiết, chẳng hạn trong công nghệ gien, ở một khía cạnh nào đó. Hay như một trong những hướng nghiên cứu của tôi là hiện đại hóa các bài thuốc Đông y, thì bên cạnh tôn trọng những kinh nghiệm dân gian, cũng cần biết loại bỏ những hợp chất không tốt… Nhưng về cơ bản, tôi luôn tâm niệm: hiểu biết về khoa học là để phát triển và vận hành tốt hơn, chứ đừng loại bỏ, đừng làm tự nhiên mất cân bằng, đừng đi ngược những quy luật phát triển của tự nhiên.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 5.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng

Đào Ngọc Thạch

Đời sống, nói cho cùng, vẫn là phép cân bằng giữa thừa và thiếu. Chị có chắc là không có gì thừa trên đời này?

Thừa thiếu thật ra là vô cùng và luôn là một khái niệm có tính tương đối. 24 giờ với người này là đủ hoặc thừa, nhưng với người kia lại là thiếu, để mà không bao giờ có thời gian chết. Đời sống lúc này vẻ như người ta lo thừa hơn là lo thiếu: trẻ thừa cân, nhà thừa tiện ích, thông tin thừa mứa… Nhưng nếu điềm tĩnh ra, chúng ta sẽ thấy: tận cùng của thừa chính là thiếu. Trong đó, đáng lo nhất là thiếu đi động lực sống, cống hiến và một bộ lọc đủ mạnh để ngăn ngừa được sự tấn công của những "mã độc" vốn đầy rẫy trên mạng cũng như trong đời sống.

Con đường làm khoa học của chị đã bao giờ phải giằng xé giữa thừa và thiếu?

Lúc mới ra nghề, tôi từng thiếu tiền vì lương giảng viên không đủ để trang trải cuộc sống và giúp bố mẹ lo cho hai em lên thành phố ăn học, nên từng buộc lòng phải rời trường, đầu quân cho doanh nghiệp và mất tới 9 tháng sống trong môi trường "việc nhẹ, lương cao" nhưng gần như mất đi hoàn toàn động lực tạo ra cái mới. Kể mà chịu được thiếu tiền, hay thiếu gia đình, quê hương như quãng thời gian sau này tôi du học tại Anh, thì chắc hẳn các lựa chọn cho con đường khoa học của tôi sẽ thẳng hơn và dứt khoát hơn; làm khoa học tập trung hơn, thuận lợi hơn, tại những lab ở nước ngoài vốn đồng bộ về ê kíp, thiết bị cùng quy trình khép kín hoàn hảo từ đầu vào tới đầu ra… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, 9 tháng làm cho doanh nghiệp ấy tuy có lúc vô vị nhưng cũng không phải là vô nghĩa vì nó giúp mở rộng tầm mắt của mình về đầu ra của những sáng chế, nhu cầu của doanh nghiệp… Và đất nước có đang phát triển, có thiếu những điều kiện cần và đủ, thì mình mới càng có thêm động lực vượt khó, khám phá những khả năng tiềm ẩn ở mình hơn...

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 6.

Ở vào những thời điểm hoang mang và bế tắc của sáng tạo, chị đã tìm cách "tái sinh" cảm hứng sáng tạo của mình thế nào?

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, tôi cũng có đôi ba lần "làm lại từ đầu". Làm nghiên cứu thực nghiệm như bọn tôi, quan trọng nhất là phải có phòng thí nghiệm. Đã đôi lần tôi gầy dựng nhóm nghiên cứu, cơ sở vật chất nghiên cứu rồi bị dịch chuyển, làm lại từ đầu, mua sắm lại từng cái ống nghiệm, đũa khuấy. Đối với tôi mà nói, nó như chim mất tổ. Nản và mất động lực ghê lắm. Mỗi lần như thế, cái còn lại là nội lực tự thân, sức mạnh của trí tuệ, kiến thức và đam mê khoa học. Tôi lại cặm cụi gầy dựng lại và lại thực hiện các dự án tốt hơn, phát triển mạnh hơn. Mình luôn tin vào thế năng càng lớn, động lực càng mạnh - nghĩa là càng thiếu thốn, càng khó khăn thì sức sáng tạo của con người càng mạnh mẽ.

Ngoài những nỗ lực tự thân, sự chung tay của xã hội trong bối cảnh làm nghiên cứu khoa học ở VN có ý nghĩa thế nào?

Dự án VINIF (Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup) đã thực sự giúp nhóm tạo ra một nền tảng nghiên cứu cho định hướng vật liệu aerogel. Việc đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) ngay tại doanh nghiệp, hoặc tài trợ kinh phí cho các đơn vị làm công tác R&D phát triển các công nghệ nền như VINIF đều góp phần thúc đẩy mạnh sự phát triển khoa học công nghệ của một đất nước.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 6.

Có thể tìm thấy triết lý sống nào từ những thuật ngữ chuyên môn đặc thù gắn liền với công việc của chị: công nghệ sấy thăng hoa, kỹ thuật tầng sôi…?

Thể rắn, khi chuyển sang thể khí (thay vì thể lỏng), sẽ đảm bảo cho việc cấu trúc vật liệu được giữ nguyên, ấy là giá trị của công nghệ sấy thăng hoa. Cái cần nhất cho vật liệu cách nhiệt là càng chứa nhiều không khí càng tốt. Khi vật liệu càng rỗng càng nhẹ, bề mặt của nó càng có cơ hội "ghi bàn" nhờ giàu năng lực hấp thu hơn. Xử lý nước thải, sự cố dầu tràn, dệt nhuộm… cần đến những vật liệu có độ rỗng cao là vì vậy. Sự trống rỗng, theo đó, có thể coi như một cơ hội để được lấp đầy, để được thẩm thấu cái mới, cái khác, cái ngoài mình. Làm sáng tạo, với tôi, trước khi được lấp đầy cũng cần lắm, sự trống rỗng hóa mình để mở lòng đón nhận cái mới.

Kỹ thuật tầng sôi cũng mang tới một triết lý khác với cách nghĩ thông thường. Trong 3 trạng thái tồn tại của vật liệu: tĩnh (đứng yên), lôi cuốn (bị đẩy lên), lơ lửng (đẩy lên, rớt xuống, lại được đẩy lên, cứ thế…) thì lơ lửng mới được cho là trạng thái ổn định nhất, vì nó giúp cho vật liệu giữ được độ rỗng ổn định nhất để có cơ hội tiếp xúc nhiều nhất với không khí.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 9.

Thường chị có khó ngủ không, trước những thao thức sáng tạo? Giấc mơ nào thường trở đi trở lại?

Vì luôn muốn trải mình rộng ra trên nhiều đầu việc và đa dạng hướng quan tâm, và tương ứng với những định hướng sản phẩm khác nhau sẽ đòi hỏi những khối kiến thức khác nhau; lại thêm cái bệnh cầu toàn... nên rất nhiều khi tôi bị stress, suy giảm trí nhớ… vì luôn cảm thấy không đủ thời gian cho những việc mình muốn làm.

Lại cũng có những đêm mất ngủ vì… nản, khi những tâm huyết sáng tạo của mình khó tìm được đầu ra và điểm chạm với nhà sản xuất và văn hoá doanh nghiệp: cái lợi cho môi trường không tỷ lệ thuận với lợi nhuận của doanh nghiệp, nên đây đó ít nhiều còn lắm nỗi thờ ơ; triết lý phát triển bền vững chưa hẳn đã nhận được sự đồng thuận, đồng hành của cả xã hội và của các nhà hoạch định chính sách để có thể cho ra các giải pháp đồng bộ…

Tôi hay mơ mình bay được lắm. Hoặc đến một con suối có rất nhiều cá, cứ với tay là bắt được nó. Và mỗi lúc mất ngủ, lại luôn tự an ủi mình rằng: "Chúng ta còn triệu đêm để ngủ trong lòng đất", như ai kia từng nói…

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 8.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng: “Không thứ gì là đáng bỏ đi !” - Ảnh 9.

PGS-TS Lê Thị Kim Phụng nhận Giải thưởng Sáng tạo Châu Á của Quỹ toàn cầu Hitachi 2022

NVCC

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.