|
Đó cũng là những băn khoăn của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, một trong những chuyên gia hàng đầu về kinh tế hiện nay.
Trong chương trình Sáng tạo vì Khát vọng Việt, ông có nói: “Cái gì chúng ta cũng có cả, nhưng có một điều là chúng ta chưa có cái gì”. Vậy chúng ta đang chưa có là cái gì thưa ông?
Cái chúng ta có là con người thông minh, lịch sử oai hùng, tài nguyên… cái gì cũng có, nhưng trong quan hệ với tương lai, đó toàn là tiềm năng. Còn cái ta chưa có lại là những thứ mà nhiều nước đi trước, cũng tức là loài người, đã đạt được. Đó là văn minh, phát triển kinh tế và dân chủ ở trình độ cao. VN vẫn thuộc nhóm nước nghèo. Chúng ta quá chậm để đạt được cái nhiều nước đã đạt được. Hội nhập rồi, thời cơ có rồi, nhưng chưa tận dụng được tốt.
VN có hoàn cảnh đặc biệt là chiến tranh kéo dài gần như suốt lịch sử mấy nghìn năm, trình độ phát triển kinh tế còn rất thấp, tụt hậu xa so với nhiều nước trên thế giới, kể cả với một số nước vốn “ngang ngửa” với ta cách đây chỉ ba bốn chục năm. So với Hàn Quốc, điều mà họ làm được trong 30 năm kể từ khi bước vào quỹ đạo phát triển hiện đại là kinh tế thị trường, thì VN 30 năm vận động trong quỹ đạo đó lại chỉ đi được ít hơn nhiều. Dù đi sau, dễ đi nhanh hơn, nhưng VN vẫn không đi nhanh như họ được, chưa nói đi nhanh hơn. Hàn Quốc 50 năm trước thu nhập cũng chỉ vài trăm USD/người giống VN lúc mới bước vào đổi mới cách đây gần 30 năm, nhưng hiện đã đạt mức thu nhập hơn 30.000 USD/người, còn VN mới chỉ đạt chưa đến 2.000 USD/người. Nghĩa là cách nhau hơn 15 lần.
Trong khi đó, về các sản phẩm tiêu dùng, có vẻ như cái gì hiện đại mà thế giới có thì VN cũng có, kể cả những thứ hiện đại nhất. Nhưng xét cho kỹ, đó đều là phát minh, sản phẩm của các nước khác. Cái mình làm ra để khẳng định chân dung VN trong thế giới hiện đại thì chưa có gì rõ ràng.
Thời đại hiện nay, phải định vị quốc gia bằng một ưu thế vượt trội, đặc sắc; bằng vai trò chức năng được thế giới ghi nhận. VN muốn làm điều đó nhưng chưa làm được và làm rất chậm. Phải cung cấp cho thế giới một sản phẩm nào đó, mà không có sản phẩm đó, thế giới sẽ cảm thấy thiếu vắng, nếu không, anh chưa là gì trong cái thế giới này. Có nhiều nước đã khẳng định vai trò không thể thiếu trên bản đồ thế giới. Nhưng ngược lại, có những nước dường như không có cũng chẳng sao. Phải định vị chân dung quốc gia là phần không thể thiếu được trong cuộc sống loài người. Giá trị quốc gia chính là ở đó.
Tại sao thế giới “chọn” VN làm quốc gia luyện thép, sản xuất xi măng? Chắc chắn không phải vì VN luyện thép hay làm xi măng tốt hơn các nước khác. Thực tế cho thấy họ lựa chọn như vậy trước hết vì họ không còn muốn làm những thứ đó. Nhưng chủ yếu là vì VN có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng “cổ điển”, VN cung cấp năng lượng giá rẻ cho sản xuất xi măng, sắt thép, VN dễ dãi với tiêu chuẩn môi trường, ô nhiễm hơn các nước,… Nghĩa là Việt Nam chấp nhận những ngành đó, với sự ưu ái thực tế. Nhưng sự lựa chọn đó có hợp lý về mặt chiến lược không khi các nước khác đều không hào hứng phát triển những ngành này mà cứ hướng tới phát triển các ngành công nghệ cao và thân thiện với môi trường?
Đôi khi chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn về mặt thị trường. Đa số các nước không định vị được chân dung và vị thế quốc gia vì chọn hướng tương lai không chuẩn, không hợp với xu thế thời đại.
Một nước muốn định hình một chân dung hiện đại của mình thì phải biết xếp đặt mối liên hệ với quá khứ đúng kiểu. Ôm quá chặt hành lý quá khứ, nhất là “ôm” không đúng cách, thì rất khó hướng tới tương lai. Để đi tới tương lai, phải hiểu biết quá khứ, duy trì những giá trị nhân văn, phát triển nó, biết biến quá khứ thành một phần của tương lai. Nhưng cũng phải biết đoạn tuyệt với quá khứ. Tư duy thị trường phải khác hẳn tư duy tiểu nông.
Cốt lõi thành công chung của các nước như Hàn Quốc, Singapore… ngoài việc định vị thương hiệu quốc gia còn là thể chế tiến bộ, thu hút nhân tài, lấy giáo dục làm gốc… Theo ông VN cần học những bài học này thế nào?
Các nước này biết chọn hình mẫu thể chế tốt nhất để phát triển vượt trội. Có thể chế tốt thì các nguồn lực sẽ vào. Ví dụ như Dubai, đây là vùng sa mạc, chỉ có cát và lạc đà, cách đây 30 năm dân còn rất nghèo, nhưng nay đã thành nền kinh tế phát triển rất cao. Người dân có thể chưa văn minh được như châu Âu, nhưng khuôn khổ thể chế để nền kinh tế, xã hội vận hành thì rất hiện đại, duy trì cùng văn hóa bản địa không xung đột nhau, thành một chân dung Dubai không giống ai.
Chúng ta đi sau có nghĩa là dễ học được những bài học tốt nhất, thế giới sẵn sàng cung cấp những điều để chúng ta thực hiện. Toàn cầu hóa rồi, không thiếu gì cả, chỉ thiếu chính sách “tốt” để hợp lực các nguồn lực trong nước và thế giới.
Cạnh tranh thị trường và dân chủ là hai bánh xe tiến tới văn minh, phải đi song song, nếu chỉ chạy một bánh thì xe gãy. Chúng ta nói cải cách kinh tế và đổi mới chính trị nhưng có lẽ chưa thực sự khớp. Phải đổi mới chính trị đồng bộ với kinh tế.
Về thế hệ trẻ, theo ông người trẻ VN đang đứng trước những lựa chọn và thử thách gì? Chúng ta nói nhiều đến khát vọng vươn lên, tính sáng tạo… nhưng dường như vẫn dừng lại ở nói hơn là thực hiện?
Có sự gắn kết chặt chẽ giữa năng lực cá nhân và xã hội. Khi xã hội có vấn đề, ông “xã hội” bảo tại cá nhân kém, ông cá nhân lại cho rằng tại môi trường xã hội không đủ thông thoáng cho tôi cựa quậy. Thực ra cả hai ông đều có vấn đề, mỗi ông đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng phát triển chung. Xã hội không tạo cơ hội cho cá nhân là có tội, ông không thể nói tôi đã tạo đủ cơ hội, vì cơ hội không bao giờ là đủ cho tất cả. Trách nhiệm xã hội không cho phép nói người trẻ tuổi thiếu ý chí. Nhưng ngược lại người trẻ đừng bao giờ đổ thừa cho hoàn cảnh, vì như vậy là anh rất kém.
Cơ hội bao giờ cũng đi liền thách thức, thế hệ trẻ hiện có quá nhiều cơ hội, nhưng đào tạo của VN lại chưa tốt. Đầu tiên nhà trường phải thay đổi cách chuẩn bị năng lực, dạy cho người trẻ các tri thức cần thiết và biết sống đúng nghĩa. Đa số tri thức học trong nhà trường của chúng ta không dùng được, hoặc dùng không hiệu quả. Vì thế, phải “tái cấu trúc” cái đống tri thức này, dạy cho thế hệ trẻ năng lực sống, thích nghi chứ không phải bơm nhồi tri thức vào để nhớ dai, nhớ kỹ mà không biết dùng làm gì. Đó là sự ngộ nhận giữa kiến thức, tri thức, năng lực sống và giấy chứng nhận tốt nghiệp, với bằng cấp.
Ngoài ra, môi trường cạnh tranh cũng giúp người trẻ tự định vị mình. Người trẻ cần gì, thì chính là xã hội tạo ra môi trường để họ phát triển. Ví dụ những nước phát triển, coi khởi nghiệp là bình thường, xây dựng công ty rồi bán công ty. Đơn giản vì công ty là một thứ tài sản. Nhưng VN thì chưa phải vậy. Để tạo ra văn hóa coi chuyện khởi nghiệp là bình thường thì không thể một cá nhân làm được mà phải cả xã hội. Nhưng ở phía cá nhân thì anh phải có năng lực khởi nghiệp. Năng lực cá nhân và giá trị xã hội là hai thứ phải tích hợp lại với nhau.
Mai Hà
(thực hiện)
Bình luận (0)