Ngày 30.10, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP.Thanh Hóa đang tạm giữ hình sự 15 nghi phạm, trong đó có 2 giáo viên của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa (thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa).
Trước đó, ngày 29.10, Công an TP.Thanh Hóa đã huy động 50 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt ập vào 8 điểm cư trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội và TP.HCM bắt giữ các nghi phạm trên, phục vụ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
|
Các nghi phạm bị bắt giữ, gồm: Lê Thị Liên (44 tuổi), Đỗ Thị Giang (48 tuổi, đều là giáo viên của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa); Hoàng Thị Hường (44 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa); Đặng Văn Sáng (26 tuổi), Lưu Công Hòa (27 tuổi, đều ngụ Hà Nội); Đăng Duy Minh (chưa rõ tuổi), Trần Xuân Triệu (26 tuổi), Đặng Văn Giang (21 tuổi), Đỗ Văn Phúc (22 tuổi), Đặng Tiến Hoàng (23 tuổi), Phạm Minh Tuấn (27 tuổi), Đỗ Ngọc Thanh (24 tuổi), Nguyễn Văn Huyên (26 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (22 tuổi) và Lý Kim Sơn (24 tuổi, đều ngụ Q.7, TP.HCM).
Khi bắt giữ các nghi phạm, lực lượng chức năng đã thu giữ 7 bộ máy vi tính, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, 25 thẻ ngân hàng và nhiều phôi bằng, chứng chỉ, học bạ, giấy phép lái xe, con dấu giả. Các tang vật thu giữ đều liên quan đến hành vi phạm tội của các nghi phạm.
Theo điều tra ban đầu của Công an TP.Thanh Hóa, các nghi phạm Lê Thị Liên và Đỗ Thị Giang là giáo viên của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa, nên biết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều người cần các loại văn bằng, chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ, giấy phép lái xe và các loại bằng đại học, thạc sĩ chuyên ngành bác sĩ, dược sĩ… Các nghi phạm Liên và Giang lấy uy tín là giáo viên, đã câu kết với các đối tượng còn lại để tổ chức các lớp học và cấp chứng chỉ, bằng cấp giả.
|
Thủ đoạn của các nghi phạm là dùng mạng xã hội Facebook, Zalo lập thành các nhóm để quảng cáo, nhận tổ chức mở lớp đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ.
Để che giấu hành vi phạm tội, các nghi phạm còn sử dụng các tài khoản ngân hàng ảo, sử dụng các thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản Facebook, Zalo giả để giao dịch với người học.
Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 6.2020, các nghi phạm đã đứng ra tổ chức 4 lớp với khoảng 600 người tham gia các lớp học. Mỗi người theo học để lấy văn bằng, chứng chỉ phải nộp khoản tiền từ 3,5 - 7 triệu đồng.
Quá trình tổ chức lớp học, các nghi phạm cũng tổ chức đầy đủ các bước ôn thi, tổ chức thi để người học tin tưởng, nhưng khi tốt nghiệp thì văn bằng, chứng chỉ được cấp là giả, do các nghi phạm tự làm.
Hiện vụ án đang được Công an TP.Thanh Hóa tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ.
Bình luận (0)