Ðúng là có dù ít, dù chưa đầy đủ cũng còn hơn không có gì, không được xem gì. Nhưng lẽ nào bao nhiêu năm qua, quanh đi quẩn lại, chúng ta cứ mãi bằng lòng với chừng ấy trích đoạn kể trên. Các trích đoạn dù đặc sắc đến đâu, dẫu có khả năng tồn tại tự thân thành những tiểu phẩm riêng rẽ như chúng vẫn thường xuất hiện trên sân khấu, trên màn hình vô tuyến thì nhìn rộng ra vẫn hạn chế về nhiều mặt.
Trích đoạn vốn là một bộ phận rút ra từ một vở diễn nhất định, do điều kiện nào đó không cho phép biểu diễn cả vở thì đành chấp nhận cách thức diễn trích đoạn mà thôi. Còn thông thường, trích đoạn phải sống chan hòa, hữu cơ trong tổng thể cả vở diễn mới tỏa sáng hết vẻ đẹp tiềm ẩn sâu xa vốn có của nó. Trích đoạn không thay thế được toàn bộ vở diễn. Nhận thức về chèo truyền thống chỉ qua mấy trích đoạn tiêu biểu và quá quen thuộc đó, không tránh khỏi phiến diện, thậm chí ngộ nhận. Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật đạt tới tầm cỡ mẫu mực, đặc sắc, bao giờ cũng là một chỉnh thể nguyên vẹn, trong đó các bộ phận cấu thành, gắn kết, ánh chiếu, tương hợp, cộng hưởng với nhau để tạo nên diện mạo thống nhất làm toát lên giá trị tư tưởng và nghệ thuật độc đáo. Không thể rút từ những tác phẩm như thế những phần, những đoạn, cho dù là tiêu biểu, để xem nó đồng nhất với toàn bộ phẩm chất, giá trị vốn có của cả tác phẩm. Nếu bản thân những trích đoạn chèo tiêu biểu thật sự có thể tồn tại độc lập với vở diễn, không làm giảm sút đi giá trị vốn có thì có lẽ cần đặt lại việc tìm hiểu nghiên cứu sâu hơn về chèo truyền thống. Đồng thời phải có cách hiểu uyển chuyển hơn về cái gọi là vở diễn.
Nhưng dù sao thì đã đến lúc không thể cứ dừng lại ở tình trạng chỉ quanh quẩn chừng ấy những trích đoạn chèo tiêu biểu mãi được. Bởi như thế tất yếu sẽ làm nảy sinh thắc mắc: chả lẽ, nghe đồn đại bấy nay rằng chèo truyền thống giá trị lắm, giàu có lắm, phong phú lắm mà sao lại chỉ thấy trình ra được chừng ấy trích đoạn, có phần "khiêm tốn" thế.
Bao năm qua, nói đến chèo truyền thống vẫn còn thấy thấp thoáng hình ảnh cô Thị Mầu đáo để, lẳng lơ, khao khát tình yêu mà chẳng được, một bà vợ cả từ xứ Huế ra tận Bắc Kỳ đánh ghen, một mẹ Ðốp thông minh, láu lỉnh, bỡn cợt thầy lý trưởng. Một người vợ nhẹ dạ muốn tìm tới nhân duyên mới phải giả điên, giả dại để thoát khỏi ràng buộc hôn nhân cũ. Một thầy phù thủy với nhiều trò tung hứng tự trào gây cười thỏa thuê, v.v. Ðúng là những lớp diễn nổi sóng trên sân khấu và nổi sóng trong lòng người xem vừa sướng mắt vừa khoái lỗ tai mà lại làm ta bàng hoàng, day dứt khôn nguôi về tình người, lẽ đời thăm thẳm ... Nhưng xem đi xem lại cũng sẽ phải đòi hỏi một cái gì khác lạ hơn, đầy đủ hơn về chèo truyền thống với mấy thế kỷ hình thành và phát triển là niềm tự hào của chúng ta.
Nếu chỉ bằng lòng mãi với việc đưa đến cho người xem những trích đoạn quen thuộc như vậy thì sớm muộn sẽ làm mất đi cảm tình thân thiết của họ với chèo truyền thống là điều đương nhiên.
Nên chăng, sớm nghĩ tới việc quy hoạch, định hướng lại hoạt động của các đoàn chèo trên cả nước. Từ đó có những đoàn chèo, hay trong đoàn chèo có những bộ phận chuyên diễn chèo truyền thống, và phải xây dựng chương trình, tiết mục chèo truyền thống bằng những vở diễn đầy đủ trọn vẹn bên cạnh trích đoạn đã có.
(Theo NhânDân)
Bình luận (0)