Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh; trong có 1.511 đường ngang hợp pháp, hơn 4.200 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép và hầu hết không có cảnh báo.
Nhấn mạnh về thực tế nhiều năm nay liên tục xảy ra các vụ tai nạn đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa báo cáo rõ hơn về việc các đường ngang dân sinh được mở thuộc trách nhiệm cơ quan nào? Có vấn đề gì từ luật không, hay do quản lý nhà nước? Nếu do quản lý nhà nước thì trách nhiệm thuộc về ai và luật này có giải quyết dứt điểm được vấn đề này không? Bà Nga cũng cho rằng, luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp về việc mở đường dân sinh và có chế tài xử lý tùy theo tính chất, mức độ từ hành chính, kỷ luật đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu luật phải có một bước tiến bộ hơn nữa để giải quyết cho được những đường dân sinh trái phép. Theo Chủ tịch QH, nếu người dân có nhu cầu đi lại giữa vùng có đường sắt chạy qua thì nhà nước phải tính để có kế hoạch đầu tư; nếu đường dân sinh đã trở thành một tuyến đi không thể xóa được thì phải có giải pháp.
Luật đã có quy định cấm mở đường ngang dân sinh, nhưng theo Chủ tịch QH nếu không gắn với trách nhiệm và chế tài xử phạt rất nghiêm thì sẽ không bao giờ thực hiện đúng pháp luật về đường sắt. "Luật phải gắn với trách nhiệm, không chỉ của Bộ GTVT hay ngành đường sắt mà còn trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn tùy mức độ phải xử lý nghiêm, thậm chí phải cho “mất chức” chứ không đơn giản”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Bàn về những quy định liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng luật quy định kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt là ngành, nghề ưu đãi đầu tư thì không hợp lý, do phạm vi rất rộng. “Ví dụ, dịch vụ trong ngành đường sắt cũng là dịch vụ bình thường, các đơn vị làm dịch vụ ăn uống trong ngành đường sắt được ưu đãi mà các công ty làm dịch vụ ăn uống của khối du lịch không được ưu đãi thì không ổn”, ông Định nói.
Bình luận (0)