Phải đối phó khi đầu tư vào giáo dục

Quý Hiên
Quý Hiên
18/05/2018 08:17 GMT+7

Dù Bộ GD-ĐT đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa được 110 điều kiện kinh doanh trong hoạt động GD-ĐT, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước vẫn giữ tư duy ôm đồm, hình thức, đẩy nhà đầu tư vào thế đối phó.

Phải làm giả hồ sơ
Năm 2014, tôi xin thành lập Trường tiểu học Marie Curie, trong đề án phải có danh sách mấy chục giáo viên tiểu học kèm theo hợp đồng lao động. Xin thú thực là tôi phải tạo ra cái giả. Có nên buộc các nhà đầu tư phải làm giả thế không?
Ông Nguyễn Xuân Khang
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội), cho biết theo quy định hiện hành, để một cơ sở GD-ĐT đi vào hoạt động, nhà đầu tư phải qua 3 bước với những đòi hỏi... phi lý. Ông Khang đặt vấn đề: “Chưa có quyết định thành lập, chưa có tư cách pháp nhân thì làm sao có hợp đồng lao động với giáo viên?”, rồi chia sẻ tiếp: “Năm 2014, tôi xin thành lập Trường tiểu học Marie Curie, trong đề án phải có danh sách mấy chục giáo viên tiểu học kèm theo hợp đồng lao động. Xin thú thực là tôi phải tạo ra cái giả. Có nên buộc các nhà đầu tư phải làm giả thế không?”.
Còn TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng sự phiền hà đối với các nhà đầu tư không chỉ trong giai đoạn ban đầu khi làm thủ tục đầu tư mà xuyên suốt quá trình đào tạo.
Một thủ tục bất hợp lý, gây lãng phí mà theo ông Tùng là việc mở ngành, xác định chỉ tiêu phải căn cứ vào các yếu tố giảng viên, cơ sở vật chất của trường vào thời điểm 31.12.2017, trong khi tận tháng 8 năm sau các yếu tố này mới phải dùng tới. “Đây là một sự lãng phí không cần thiết”, ông Tùng nói.
Một trường có... 2 hiệu trưởng !
Ông Hoàng Anh Đức, Công ty cổ phần GD Edufit, nêu một bất cập hiện nay liên quan tới quốc tịch của hiệu trưởng cơ sở GD-ĐT. Hiện không có văn bản quy phạm nào cấm việc bổ nhiệm người nước ngoài làm hiệu trưởng, nhưng trên thực tế các trường vẫn bị “bó chân bó tay”, đặc biệt là trường phổ thông. Vì thế nhiều trường vừa phải duy trì hiệu trưởng người nước ngoài để vận hành cùng với hiệu trưởng người VN để không bị làm khó dễ. “Cần cho phép doanh nghiệp làm những gì mà luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì luật cho phép”, ông Đức đề xuất.
Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng vẫn có nhiều điều Bộ GD-ĐT cần tiếp tục sửa đổi để tạo ra hành lang pháp lý trong môi trường đầu tư cho GD-ĐT tốt hơn. Theo ông Vinh, nên để giáo dục là thị trường có khả năng tự quản lý, nhà nước không nên làm mọi thứ. “Đề nghị nên chuyển hướng là ban hành tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sau đó hậu kiểm. Sau khi được thành lập thì các cơ sở tự quyết định thời điểm hoạt động... Sau khi hoạt động thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đi kiểm tra. Như vậy sẽ thực chất, đơn giản hóa, giảm chi phí cho xã hội. Nên để cho xã hội tự giám sát, tự quản lý nhiều hơn. Nhà nước không cần thiết phải làm thay quá nhiều”, ông Vinh đề nghị.
Bất công giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước
Hiện nay đầu tư của nước ngoài cho giáo dục được quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP, còn đầu tư trong nước cho giáo dục được quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT, trong cả 2 nghị định này có tổng số 212 điều kiện kinh doanh. Bộ đã rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 110 điều kiện (chiếm 51%).
Theo TS Lê Trường Tùng, so sánh nghị định 73 và 46 cho thấy có sự không bình đẳng về điều kiện kinh doanh giữa 2 đối tượng đầu tư. Chẳng hạn, Nghị định 46 yêu cầu nhà đầu tư trong nước muốn thành lập trường ĐH cần có vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng, còn Nghị định 73 chỉ yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài có vốn tối thiểu... 300 tỉ đồng. Về diện tích đất, nhà đầu tư muốn mở trường ĐH trong nước phải có tối thiểu 5 ha nhưng không đặt yêu cầu này với nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định 46 yêu cầu nhà đầu tư trong nước phải xây trường ĐH rồi mới được hoạt động, còn Nghị định 73 cho phép trường ĐH nước ngoài ở VN có thể đi thuê cơ sở vật chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.