Mặc dù trận chung kết U.19 giữa Việt Nam và Nhật Bản đã khép lại cả tuần nay, nhưng dư âm của nó vẫn đượm trong lòng mỗi người yêu bóng đá Việt Nam. Đội chủ nhà U.19 Việt Nam đã thua, nhưng thua trong một trận cầu đẹp, trong một trận cầu mà cầu thủ hai bên đã cống hiến hết sức mình cho khán giả.
|
Ai đó từng nói rằng bản chất của thể thao không phải là thắng-thua mà phải là cách chơi đẹp, hướng đến cái thiện. Riêng tôi thì vẫn buồn và tin nhiều người khác nữa cũng buồn, đơn giản vì đội tuyển mà mình yêu thích, đội tuyển mang màu cờ sắc áo quốc gia đã thua…
Thua trên sân cỏ bởi bàn thắng đẹp, hợp lệ là một điều không đáng bàn cãi, nhưng có những cái thua khác ngoài sân cỏ khiến không ít người yêu thể thao nước nhà lấy làm hổ thẹn, chạnh lòng…
Đã có khái niệm chuyên nghiệp thì phải có khái niệm nghiệp dư. Dường như từ cổ động viên; bình luận viên thể thao cũng như bóng đá nước ta vẫn còn chưa thoát khỏi hai chữ “nghiệp dư”.
Trở lại trận chung kết giữa hai đội U.19 Việt Nam - Nhật Bản, cầu thủ Nhật chạy quanh đường biên ăn mừng một bàn thắng hợp lệ có tội tình gì đâu mà theo sau bước chân của cầu thủ ấy là tiếng la ó, bình nhựa, chai nước được ném như mưa từ trên các khán đài xuống.
Khi ban tổ chức trao giải cho đội vô địch, khán giả nước chủ nhà đã làm gì? Mọi người đồng loạt đứng dậy, phủi đít chen lấn ra về, để lại những khán đài trống trơn, lạnh lẽo thay vì một biển người hân hoan rực đỏ cờ hoa vài phút trước.
Ở các sân cỏ châu u cuối tuần, dù đội chủ nhà có thắng hay có thua thì khán giả vẫn ngồi lại xem cho đến khi tiếng còi chung cuộc vang lên, họ lịch sự vỗ tay cảm ơn sự cống hiến của hai đội. Đáp lại, người ta cũng thấy hình ảnh đẹp ở phía các cầu thủ trên sân trên sân khi họ nắm tay nhau cùng cúi chào khán giả.
Ai đã từng coi World Cup 2014 tại Brazil mới đây, sẽ được thấy các cổ động viên của Đức rất văn minh khi thưởng thức thể thao. Đặc biệt, nhìn hình ảnh bà Thủ tướng Đức Angela Merkel trên khán đài, thấy cách bà ấy theo dõi trận đấu, cách bà ấy ăn mừng bàn thắng, cách bà ấy động viên các cầu thủ… mới thấy người Đức từ dân thường cho tới tổng thống đều thể hiện văn hóa ứng xử đẹp mà chúng ta phải học tập.
Văn hóa ứng xử ấy không những thể hiện ở trong sân cỏ, trên khán đài. Khu vệ sinh công cộng ở các nhà thi đấu, sân vận động nước ta thường rất bẩn và hôi hám. Đã thế, sau mỗi trận cầu, cả khán đài thường ngập tràn rác với đủ các kiểu hộp thức ăn, chai nhựa, băng rôn, giấy báo… Một cảnh tượng khủng khiếp nhưng không lạ. Cũng World Cup mới đây, dù đội Nhật thua trận nhưng các cổ động viên Nhật vẫn tạo nên một hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế khi họ nán lại nhặt sạch từng mảnh rác nhỏ trên khán đài sân Arena Pernambuco. Một cử chỉ rất đáng tôn trọng và nể phục.
Trận chung kết U.19 giữa Việt Nam với Nhật Bản đã khép lại với nỗi buồn đọng lại trong lòng người hâm mộ, yêu mến bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, với những gì người Nhật thể hiện trên sân, họ chiến thắng xứng đáng. “Chiếc giày nhỏ” Nhật Bản ngày xưa đã phát triển, tiến lên những bước vững chắc, và ngày nay, đẳng cấp họ ngang tầm thế giới. Trong khi bóng đá Việt Nam, “chiếc giày lớn” một thời nay vẫn còn ì ạch…
Nhưng nếu đòi hỏi vận động viên, cầu thủ “lớn” thì chính những người hâm mộ, những cổ động viên và nhất là những người dẫn dắt nền thể thao nước nhà cũng phải cố gắng… để cùng “lớn”.
Minh Phước (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sinh sống ở TP.Đà Nẵng
>> U19 Việt Nam: Niềm tin với bóng đá Việt Nam chính thức trở lại
>> Bàn thắng vàng" của bóng đá Việt Nam
>> Về bóng đá Việt Nam trong những ngày qua: Buồn vui lẫn lộn
>> Bóng đá Việt Nam và khoảng trống văn hóa
>> Văn hóa ứng xử nơi công cộng
Bình luận (0)