Phải đưa hành vi phá rừng vào dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm

26/11/2020 06:05 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa hành vi phá rừng vào dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm, qua đó có hình phạt thật nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe.

Như đã thông tin, phóng viên Thanh Niên vừa có chuyến ghi nhận thực tế tại hiện trường lô b2, khoảnh 2, tiểu khu (TK) 249 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý) ở xã Đạ Đờn, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) cho thấy hàng chục cây bạch tùng có đường kính từ 60 - 100 cm, tuổi đời hàng trăm năm, bị cưa hạ nằm ngổn ngang.

Phá rừng lấy gỗ bán cho tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng

Những người phá rừng ngang nhiên dùng cưa máy xẻ gỗ bạch tùng ngay tại rừng tự nhiên. Họ lấy phần lõi (gỗ hộp) đưa ra khỏi rừng để bán. Tại TK 249 vẫn còn lại những miếng bìa gỗ dày hơn 10 cm. Từ khu vực này, những người phá rừng dùng xe máy, gắn xích để vận chuyển trên con đường mòn độc đạo đến thôn 5 và thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ (H.Lâm Hà) bán cho ông Nguyễn Văn Tuyến, Tổ trưởng nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Lâm Hà, cho biết quá trình tuần tra lực lượng kiểm lâm phát hiện việc cưa hạ rừng bạch tùng. Tiếp đó tiến hành kiểm tra khu vực vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ) lực lượng chức năng phát hiện có hơn 1,5 m3 gỗ bạch tùng. Bước đầu ông Tuyến khai nhận mua số gỗ trên của Bùi Minh Chí (38 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ).
Cũng theo ông Đồng Văn Tuyên, qua kiểm tra khu vực rừng bị cưa hạ, có 11 cây gỗ với tổng khối lượng thiệt hại hơn 20,481 m3. Trong đó, có 17,6 m3 đã được đưa ra khỏi rừng, số còn lại nằm ngổn ngang tại rừng. Lãnh đạo Công an H.Lâm Hà cho biết đã khoanh vùng và xác định được 6 đối tượng tình nghi. Hiện Công an H.Lâm Hà đang phối hợp Hạt Kiểm lâm Lâm Hà củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.

"Thấy cảnh tàn phá rừng mà đau lòng"

Bạn đọc (BĐ) cho biết “nhìn những cây cổ thụ bị cưa mà đau lòng, phải xử tù thật nghiêm bọn lâm tặc và kẻ tiêu thụ gỗ lậu, để chúng không còn phá hoại rừng nữa”. “Nhìn thấy cảnh tàn phá rừng thiên nhiên mà đau lòng”, BĐ A.T bức xúc.
BĐ Duong Anh cho rằng: “Có rất nhiều câu hỏi cần có lời giải, đó là: Do buông lỏng quản lý? Do các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, về khung phạt hình sự chưa đủ răn đe?... Người dân rất mong các tổ chức, cá nhân có liên quan vào cuộc”.
“Ai đứng đằng sau những vụ như thế này? Chặt hạ rừng giữa thanh thiên bạch nhật với hàng loạt những cây cao lớn như công khai vậy, chớ có làm lén đâu. Đừng nói bằng cái miệng nữa, mà phải làm, làm cho dân thấy dân tin”, BĐ Miền Tây ý kiến.

Cần "liều thuốc" mạnh để trị nạn phá rừng

Hiện nay việc phá rừng không còn theo kiểu nhỏ lẻ, lén lút mà họ công khai chặt phá một lúc hàng trăm cây cổ thụ. Nhiều ý kiến BĐ đặt vấn đề để xảy ra tình trạng này là do buông lỏng quản lý, có sự tiếp tay hay do các quy định của pháp luật về xử phạt hành vi này chưa đủ răn đe? “Phá rừng đồng nghĩa hủy hoại môi trường thiên nhiên, để lại hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị các cơ quan chức năng có “liều thuốc” mạnh cho loại tội phạm này mới nghiêm trị được nhằm cứu lấy thế hệ tương lai của chúng ta”, BĐ Minh Huynh ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Vũ cho rằng: “Thiết nghĩ nên đưa tội phá rừng vào dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm để răn đe có mức khung hình phạt cao nhất là chung thân. Rừng là báu vật quốc gia, không thể để cho những loại tội phạm kiểu này chỉ nhận vài năm tù”.
Nhiều ý kiến đề nghị phải quy trách nhiệm chính cho những người được giao quản lý và bảo vệ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng.
Không có tiếp tay đố lâm tặc nào phá được rừng.
Thanh An
Phá rừng dù ít dù nhiều, dù lớn dù nhỏ cứ tịch biên tài sản với án tù chung thân thì đố ai còn dám phá rừng.
Van Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.