Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản là ĐBQH chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử ĐBQH, HĐND, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại QH, HĐND; cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chức danh từ cấp phó trở lên ở nhiều lĩnh vực cũng phải kê khai tài sản như sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong quân đội; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của nhà nước...
Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước, người là đại diện phần vốn của nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước cũng thuộc nhóm đối tượng phải kê khai tài sản.
Theo nghị định, các loại tài sản phải kê khai là các loại nhà, công trình xây dựng; các quyền sử dụng đất; tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản ở nước ngoài; ô tô, mô tô, xe máy, tàu, thuyền và những động sản khác mà nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tổng thu nhập trong năm.
Tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành bản kê khai. Chậm nhất ngày 31.12 hằng năm phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập.
Nghị định cũng quy định rõ 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi kê khai không trung thực, đầy đủ, lợi dụng việc minh bạch tài sản để gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, quy định 2 hình thức công khai bản kê khai tài sản: niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp sau thời điểm tổng kết hằng năm. Vị trí niêm yết bản kê khai phải bảo đảm an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem; thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Với phạm vi công khai bản kê khai tại cuộc họp, đáng chú ý là ở cấp trung ương thì CBCC giữ chức vụ tương đương từ bộ trưởng trở lên phải công khai trước đối tượng ghi phiếu tín nhiệm để lấy phiếu tín nhiệm hằng năm. Quy định tương tự cũng được áp dụng với các chức danh tại địa phương như bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, các thành viên khác của UBND cấp tỉnh.
Người kê khai tài sản phải có nghĩa vụ giải trình đối với các loại tài sản tăng thêm từ 50 triệu đồng trở lên.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5.9.2013.
Bảo Cầm
Bình luận (0)