Phải kiểm tra chất lượng thép trước khi nhập khẩu

Mai Phương
Mai Phương
10/07/2023 11:49 GMT+7

Các quốc gia trên thế giới đã áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép nhập khẩu nhưng nhiều sản phẩm nhập vào VN khá dễ dàng.

Thép nhập vào VN không thuế, không kiểm tra chất lượng

Hiệp hội Thép VN (VSA) ngày 6.7 đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ Công thương và Bộ KH-CN đề xuất xem xét xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm thép sản xuất trong nước và nhập khẩu (NK). Theo VSA, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm các loại giảm lần lượt 20% và 18% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,38 triệu tấn thép, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Thế nhưng, NK thép thành phẩm các loại trong cùng thời gian đạt khoảng 4,6 triệu tấn với trị giá hơn 3,93 tỉ USD, giảm 12% về lượng và giảm 29% về giá trị. 

Như vậy, VN vẫn nhập siêu hơn 220.000 tấn thép và thâm hụt thương mại 480 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay. Đáng kể là lượng thép nhập từ Trung Quốc vào VN đang có xu hướng gia tăng mạnh trở lại.

Phải kiểm tra chất lượng thép trước khi nhập khẩu - Ảnh 1.

Hiệp hội Thép kiến nghị cần xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào VN

Gia Hân

VSA nhận định: Thép là mặt hàng có lượng NK lớn, thép lại là ngành công nghiệp cốt lõi, xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. Thế nhưng hiện nay các sản phẩm thép NK không nằm trong danh mục các mặt hàng nhóm 2 của Bộ Công thương, nhà NK chỉ cần tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng và không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng. 

Trong khi đó, hiện các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh... Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia NK đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước NK. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng NK sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép NK.

Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại là tất yếu hay như VN đã từng tăng thuế với loại thép có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng boron (Bo) để tránh tình trạng gian lận thương mại thì việc xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng đối với hàng nhập khẩu là việc cần làm.

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN

Trong khi đó, gần như các sản phẩm thép NK vào VN đều có thuế bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ. Các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Do vậy, việc NK các sản phẩm thép không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác dẫn đến thép NK đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn VN, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.

Cần kiểm tra chất lượng thép trước khi nhập khẩu

Xây dựng hàng rào kỹ thuật càng nhanh càng tốt

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các nước đã tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương với xu hướng dỡ bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do thương mại… nhưng đều có những quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng đối với bất kỳ hàng hóa nào muốn NK vào thị trường nội địa. Nghĩa là họ vẫn muốn bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người dùng.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói thẳng bất kể quốc gia nào cũng sẽ có những chính sách phù hợp để bảo vệ sản xuất, doanh nghiệp trong nước. Nhất là đối với ngành sản xuất quan trọng như thép và khi nguồn cung trong nước đã đảm bảo cho thị trường tiêu dùng thì cần thiết phải có những giải pháp để hạn chế NK. Xu hướng chung vẫn là sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật nói chung. Trong đó các biện pháp phòng vệ thường được sử dụng để hạn chế với tình trạng sản phẩm của một vài nhà sản xuất cụ thể có hiện tượng bán phá giá hay được chính phủ nào trợ cấp, gây tác động tiêu cực cho sản xuất trong nước. Riêng đối với sản phẩm thép, các tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật càng được xem là bắt buộc và phải được công bố càng sớm càng tốt. Điều này thuộc trách nhiệm của các bộ ngành liên quan để xem xét, xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm NK, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tất nhiên, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng NK cũng phải tương đồng với quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm trong nước để đảm bảo chất lượng đồng nhất khi đến tay người dùng.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN, nhận định hàng rào kỹ thuật là giải pháp linh hoạt và tùy thuộc vào từng nước đưa ra quy định để áp dụng chung cho sản phẩm NK từ bên ngoài vào thị trường nội địa. Giải pháp này vẫn nhằm cần hạn chế các sản phẩm NK, để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cũng như con tôm, cá hay sắt thép khi NK vào các nước châu Âu, Mỹ… đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định của từng nước mới được phép đưa vào thị trường sở tại. Thậm chí, các tiêu chuẩn về hàm lượng phụ gia, thành phần trong sản phẩm của mỗi nước khác nhau mà không nhất thiết phải như nhau. Ví dụ câu chuyện tương ớt của VN có chứa chất bảo quản a xít benzoic khi xuất sang thị trường Nhật thì không được nhưng ở VN thì vẫn được. Còn ngược lại sẽ có một số sản phẩm, hàm lượng các chất trong thành phẩm nhiều nước cho sử dụng thì VN không được phép…

"Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại là tất yếu hay như VN đã từng tăng thuế với loại thép có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng boron (Bo) để tránh tình trạng gian lận thương mại thì việc xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng đối với hàng NK là việc cần làm. Nhất là với sản phẩm thép nói chung khi ngành sản xuất trong nước đủ khả năng cung ứng cho thị trường, cần hạn chế NK. Tiêu chuẩn kỹ thuật là vô chừng, linh hoạt và do mỗi nước công bố, phù hợp với văn hóa, thói quen cũng như các quy định chung của từng quốc gia. Điều này cũng tương tự hàng loạt quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho bất kỳ hàng hóa nào trước khi NK vào thị trường của họ", luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN: Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thép gần đây, hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ KH-CN xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép NK vào VN. Theo đó, các sản phẩm thép cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của VN trước khi NK. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. VN cũng cần xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu cũng như các bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.