Phải là bình ổn giá...

17/04/2013 03:20 GMT+7

Nước ta không sản xuất vàng nguyên liệu, để bình ổn giá đảm bảo cân đối cung cầu, chúng ta phải nhập vàng nguyên liệu thế giới dập thành vàng miếng bán can thiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới.

Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới. Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố: Chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ ở mức 400.000 đồng/lượng là hợp lý.

Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ một trong những mục tiêu năm 2013 là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông và sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”. Thế nhưng, trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội cuối năm 2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại nói: “Liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”. Như vậy, NHNN chấp nhận giá trong nước không liên thông với quốc tế. Đây là hệ quả buông xuôi của một loạt chính sách tồn đọng thời gian qua và thể hiện sự bất lực của quản lý nhà nước trước một thị trường rối ren và phức tạp.

Trả lời trên website của NHNN, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN lại cho rằng mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Quan điểm này là chưa chuẩn. Nhiều ý kiến không đồng tình quan điểm của NHNN, do việc không liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới chắc chắn sẽ gây ra sự độc quyền dẫn đến độc đoán. Hậu quả nhãn tiền là vàng SJC luôn đứng cao hơn giá vàng thế giới, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường. 

Trên thế giới chưa có ngân hàng nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Trong khi tại Việt Nam, NHNN lại kiêm tất cả vai trò này, NHNN trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà đã là kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. 

Nguyên tắc cao nhất của NHNN khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ. Do vậy, dù NHNN có tiếp tục đấu thầu vàng thì chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới khó có thể giảm xuống. Cụ thể là sau 7 phiên đấu thầu vàng, giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Để bình ổn thị trường vàng, NHNN nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô, không tham gia sản xuất kinh doanh. Nếu quản lý tốt người dân sẽ chẳng buồn giữ vàng, họ sẽ giữ tiền, rồi bỏ tiền vào làm ăn. Thậm chí lúc đó NHNN có thể phát triển một thị trường vàng cao cấp hơn, chẳng hạn như vàng tài khoản, “vàng giấy” (người dân mua vàng nhưng không cầm miếng vàng, thay vào đó là giấy chứng nhận sở hữu vàng...).

Tiến sĩ Ngô Trí Long

>> 10 quốc gia "lao đao" vì giá vàng sụt giảm mạnh
>> Người dân xếp hàng... mua vàng
>> Giá vàng thế giới rơi mạnh nhất trong vòng 30 năm qua
>> Giá vàng "điên loạn" khiến thị trường "tê liệt" khoảng 2 giờ
>> Khách vãng lai phải nộp phí cầu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.