Mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực như lạm phát thấp, lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng tăng, GDP có dấu hiệu phục hồi vững chắc... nhưng nhiều đại biểu Quốc hội, trong phiên thảo luận hôm qua (8.6) tại hội trường, cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và có những vấn đề bất cập mới nảy sinh.
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng): Chục ký hành tím không đổi được bát phở - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nợ công đến hạn rất căng thẳng
|
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nói: “Thâm hụt thương mại đang là một nguy cơ khiến bất ổn kinh tế vĩ mô lặp lại. Từ đầu năm đến nay, nhập siêu đã lên tới trên 3,7 tỉ USD, là yếu tố chính gây sức ép lớn lên tỷ giá”.
ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), Phó chủ tịch Hội LHTN VN, cho rằng: “Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (TQ) và thống kê của VN có sự chênh lệch rất lớn. Phía TQ nêu năm 2014 thâm hụt thương mại VN với TQ là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều con số 29,8 tỉ mà VN công bố”.
“Con số nhập khẩu chênh lệch đó, tôi cho chính là con số xuất lậu tài nguyên, khoáng sản sang TQ. Ngược lại, chênh lệch trên gần 20 tỉ USD xuất khẩu của TQ vào VN là xuất lậu hàng hóa, không chịu thuế”, ông Tín nói.
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng - Huỳnh Nghĩa, hiện nay nợ công của VN đã “mấp mé vạch đỏ 65%” nhưng nguy hiểm hơn là tỷ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách đã trên 25%. “Năm 2015, chạm mức 30%, là mức nguy hiểm trực tiếp của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung giải quyết nợ công, quản lý đầu tư công chặt chẽ và có tầm nhìn”, ông đề nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Hà Sỹ Đồng cho rằng trong các năm 2015 - 2016, nghĩa vụ nợ đến hạn sẽ rất căng thẳng. “Chúng ta cần phải tính đúng bản chất nợ công chứ không phải theo vài con số, cách tính như báo cáo”, ông nói. ĐB này phân tích: “Có một số khoản do ngân sách nhà nước trang trải phải tính vào nợ công như các khoản trả nợ thay cho doanh nghiệp... Nếu tính đủ, cộng hết các con số đó vào thì thực chất nợ công sẽ thế nào, liệu nguồn thu tương lai đủ đảm bảo khả năng trả đúng hạn không?”.
“Hành tím cay mắt lắm”
Nhiều ĐBQH đã lên tiếng về tình trạng bế tắc đầu ra cho hàng nông sản, thủy sản. ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nói: “Có cử tri mới gọi cho tôi: Ông Tâm ơi ông vừa là ĐBQH, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm”. Theo ĐB này, Chính phủ, các bộ phải tập trung, tìm giải pháp căn cơ, giải quyết “món nợ” này với người nông dân.
ĐB Hà Sỹ Đồng cũng nói: “Các con số thống kê đều cho thấy, đầu ra cho nông sản đang rất khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta đang mất tính cạnh tranh như: cao su giảm giá mạnh, người dân chặt bỏ cây ở nhiều nơi, thủy sản gặp phải nhiều rào cản... chúng ta đã không tận dụng, thiếu nỗ lực tận dụng cơ hội khai thác thị trường khi hội nhập”.
“Tôi thấy hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp còn rất mờ nhạt, nhiều năm tái cơ cấu rồi mà không có chuyển biến. Hàng nông sản của ta, đa số vẫn hàng chất lượng thấp, xuất thô, chơi với kiểu cầu may nên luôn bị ép giá. Tam nông vẫn là khu vực, con người bị thiệt thòi nhất”, ông Đồng nhận xét.
Theo ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre): “Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư lớn cho chế biến... sự yếu kém, bế tắc trong nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung”. “Ở đây, có trách nhiệm rất lớn của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ. Rất cần thành lập tổ công tác liên bộ để đề xuất cơ chế như các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, ĐB Tuấn nói.
Cũng nói về những vấn đề này, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) day dứt: “Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Chính phủ và QH thảo luận rất hay, đúng, nghị quyết ban hành cũng trúng nhưng triển khai nói chưa đi đôi với làm. Phải làm được như nói thì dân mới tin”.
Phải có thái độ kiên quyết về những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông
Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đồng bộ hơn về chiến lược Biển Đông, chủ động nắm chắc tình hình có những dự báo, giải pháp kịp thời, các ĐBQH đã yêu cầu như thế tại phiên thảo luận hôm qua.
Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, vấn đề Biển Đông đang diễn biến phức tạp, có thể là một hiểm họa khôn lường đến các vấn đề nội tại của VN nếu không được giải quyết thấu đáo, nội lực đất nước không được cải thiện một cách căn cơ. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đang có những diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro khi TQ đơn phương thực hiện các hành động gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên Biển Đông, từ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, đe dọa tàu cứu nạn, cứu hộ của VN... và đặc biệt là việc cải tạo, xây dựng một loạt các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc quyền chủ quyền của VN.
Từ tình hình trên, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) kiến nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đồng bộ hơn về chiến lược Biển Đông, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình Biển Đông, tình hình đất liền, để có những dự báo, giải pháp kịp thời đối phó với tình hình hiện nay.
|
Bình luận (0)