Vết bầm tím xảy ra khi các mạch máu dưới da bị vỡ, khiến máu tụ lại. Nguyên nhân bầm tím thường gặp là do va chạm, chấn thương gây ra. Thậm chí, chỉ cần ấn hay hút một lực đủ mạnh là da cũng có thể bị bầm tím, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một số người sẽ đặc biệt dễ bị bầm tím hơn người khác. Ban đầu, vết bầm có thể có màu đỏ hoặc tím. Nhưng qua vài ngày, vết bầm bắt đầu dần chuyển sang màu nâu, xanh lá cây và vàng, cuối cùng hồi phục và biến mất hoàn toàn trên da.
Thông thường, vết bầm tím sẽ tự biến mất trong vòng 2 tuần mà không cần điều trị. Nếu vết bầm nhiều ngày mà không khỏi thì có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề tiềm ẩn đang xảy ra bên trong cơ thể.
Chẳng hạn, những người có mức độ tiểu cầu trong máu bất thường hoặc có vấn đề về đông máu thì họ rất dễ bị bầm tím. Vết bầm cũ chưa lành thì vết bầm mới lại xuất hiện.
Nguyên nhân nồng độ tiểu cầu và đông máu gặp vấn đề thường là do bất thường sức khỏe hoặc tác dụng phụ của thuốc. Thuốc chống đông máu, thuốc kháng kết tập tiểu cầu và thuốc giảm đau aspirin đều có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, từ đó khiến da dễ bầm tím. Một đặc điểm khác để nhận diện người bị thiếu tiểu cầu nữa là vị trí các vết bầm dai dẳng sẽ dễ xuất hiện ở chân và bắp chân.
Những vấn đề khác có thể gây thiếu hụt tiểu cầu là mang thai, thiếu máu, lá lách to, uống nhiều rượu bia, vi khuẩn xâm nhập vào máu, nhiễm HIV và bệnh lupus.
Ngoài ra, bầm tím không khỏi còn có thể là dấu hiệu của những nghiêm trọng như bệnh leukemia, một loại ung thư máu. Nếu vết bầm tím bỗng dưng xuất hiện không rõ nguyên nhân ở dưới móng tay, móng chân và sau 2 tuần không khỏi thì cần đến bệnh viện kiểm tra.
Với hầu hết trường hợp, vết bầm tím trên da là không đáng ngại. Nếu vết bầm có nguyên nhân do va chạm mạnh thì sẽ gây sưng đau. Người mắc có thể điều trị tại nhà bằng cách chườm lạnh, chườm ấm và uống các loại thuốc giảm đau không kê đơn nếu cần thiết, theo Healthline.
Bình luận (0)