Theo Bộ Công thương, Trung tâm điện lực Long An được lập theo Quy hoạch điện VII với vốn đầu tư lên tới 5 tỉ USD sử dụng nguyên liệu than. Vì vậy, việc lãnh đạo tỉnh kiến nghị sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng không được chấp thuận.
Long An chọn nguyên liệu khí hóa lỏng
Ngày 24.9, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết: Quan điểm của tỉnh nếu xây dựng trung tâm điện lực (TTĐL) trên địa bàn, Long An chỉ chấp nhận nguồn nguyên liệu khí hóa lỏng, không chấp nhận nhiệt điện than. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
Trước đó, ngày 15.8.2018, UBND tỉnh Long An có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị quy hoạch TTĐL với nhiên liệu khí hóa lỏng thay cho nguyên liệu than. Nguyên nhân do lo ngại ô nhiễm môi trường. Trả lời kiến nghị này, ngày 12.9.2018, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng ký văn bản gửi UBND tỉnh Long An. Theo Bộ Công thương, TTĐL Long An được lập theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18.3.2016. Để triển khai thực hiện quy hoạch trên, Bộ Công thương đã giao cho Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) nghiên cứu, lập quy hoạch. PECC2 lập, bổ sung hoàn thiện quy hoạch vào tháng 3.2018. TTĐL Long An không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhập khẩu. “Bộ Công thương không có đủ cơ sở để phê duyệt Quy hoạch TTĐL Long An sử dụng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh”, văn bản do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký.
Quy hoạch TTĐL Long An sẽ sử dụng nguyên liệu than, tổng vốn đầu tư trên 5 tỉ USD gồm 2 nhà máy: Long An I với quy mô 2 x 600 MW, vận hành năm 2024 - 2025; Long An II với quy mô 2 x 800 MW, vận hành năm 2027 - 2028; dự kiến xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, H.Cần Đước bên bờ sông Vàm Cỏ. Tổng diện tích sử dụng trên bờ và mặt nước được quy hoạch trên 360 ha (trên bờ 232,18 ha, mặt nước 129 ha). Nhu cầu than 7,6 triệu tấn/năm (2 nhà máy). Lượng tro xỉ của 2 nhà máy là 450.000 tấn/năm. Tổng lượng nước làm mát cho 2 nhà máy là 130 m3/giây. Đây là một trong những dự án năng lượng đầu tư theo hình thức BOT. Các dự án khi vận hành hằng năm sản xuất khoảng 17 tỉ kWh, tham gia cấp điện cho tỉnh, các tỉnh phía nam và hệ thống điện quốc gia.
TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng
Ước tính, nếu nhà máy nhiệt điện than này đi vào vận hành sẽ đóng góp đến 1/3 nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương rất lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh nhất quán như thế, không chấp nhận nhiệt điện than. Việc Bộ Công thương trả lời bằng văn bản là giải thích theo Quy hoạch điện VII. Còn việc giải quyết như thế nào phụ thuộc các cấp cao hơn”, ông Đức cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết đã đi tìm hiểu và tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nhiệt điện than đến từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng vẫn không thể yên tâm. Các nhà khoa học từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc TTĐL Long An được xây dựng, sử dụng nguyên liệu than sẽ làm tăng ô nhiễm không khí đối với TP.HCM. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì TP.HCM là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất nước, nơi có hàng chục triệu dân cư và tác hại đến nền kinh tế là rất lớn khi sức khỏe người dân bị ảnh hưởng. Trong thời gian gần đây, Long An đã cấp phép đầu tư một số dự án điện mặt trời. Theo các chuyên gia, nếu tỉnh Long An kiên quyết không chấp nhận nhiệt điện than, nhiều khả năng dự án này sẽ phải hủy bỏ. Trước đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã từ chối dự án nhiệt điện than (Cái Cùng) để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nghề nuôi tôm và thay vào đó phát triển điện gió. Tại Bạc Liêu, khu vực phát triển điện gió hiện còn là điểm du lịch có tiếng của tỉnh.
Bình luận (0)