Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN–MT) Phạm Khôi Nguyên
* Bộ TN-MT đang soạn thảo Nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Xin ông cho biết, việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất có gì khác so với trước?
- Nghị định sửa đổi lần này không có chủ trương thay đổi phương pháp xác định giá đất mà chủ yếu tập trung vào phần hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất như: đào tạo nghề, tái định cư... Cụ thể, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo chuyển đổi nghề. Trước đây, doanh nghiệp làm việc này, sắp tới, Nhà nước phải đứng ra lo. Sẽ có riêng một đề án về lĩnh vực này.
Trong nghị định sửa đổi lần này sẽ có quy định về việc phải lo tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất thay vì cách làm thu hồi đất xong mới lo đến tái định cư như hiện nay. Cố gắng để người dân bị thu hồi đất khi vào khu tái định cư sẽ không phải đóng thêm tiền. Để làm được điều này, rõ ràng chúng ta phải có nhiều loại hình tái định cư, nhiều mẫu nhà, nhiều diện tích tái định cư phù hợp với nền kinh tế của địa phương và suất tái định cư của người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhất định cho người dân tái định cư.
* Sắp tới, sổ hồng, sổ đỏ sẽ được gộp lại thành một loại sổ duy nhất. Xin ông cho biết cụ thể về chủ trương này?
- Ngoài giấy đỏ, giấy hồng hiện trên thực tế còn có thêm loại giấy xanh, giấy trắng và giấy vàng nữa. Giữ các loại giấy này để chứng minh quyền sở hữu thì được nhưng do tồn tại nhiều loại giấy nên nảy sinh những bất cập khi thực hiện các giao dịch. Thực hiện chủ trương của Quốc hội và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN-MT đã nghiên cứu, đưa ra 1 loại giấy được thiết kế như một quyển sổ (tương tự sổ hộ khẩu, hộ chiếu) có tên gọi đầy đủ là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất”. Sổ màu gì hiện chưa thống nhất, nhưng sổ này sẽ thể hiện được tất cả các giấy trước đây đã cấp. Chẳng hạn: chủ sở hữu tài sản trên đất là một người, nhưng quyền sử dụng đất lại thuộc về người khác; nhà ở tập thể, chung cư, mặt đất sử dụng chung; đất nông nghiệp, đất nhà ở, đất vườn... đều được ghi rõ trong sổ. Các giao dịch về thế chấp ngân hàng vay vốn, dùng góp vốn tham gia sản xuất, thừa kế cũng được thể hiện rất đầy đủ.
Các loại sổ hồng, sổ đỏ cũ vẫn có giá trị. Nếu người dân muốn chuyển đổi sang loại giấy mới này sẽ được cơ quan hữu trách chuyển đổi miễn phí.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: Bộ TN–MT và Sở TN–MT Đồng Nai đã thành lập Ban giám sát quá trình thực hiện của Vedan. Vedan đã dỡ bỏ 3 công trình thải ngầm dài 2.400m cắm sâu 10m dưới sông Thị Vải. Hệ thống quan sát tự động tất cả hệ thống xả thải của Vedan đã được lắp đặt. Vedan cũng đã nhập công nghệ và thiết bị từ nước ngoài về để xử lý ô nhiễm ở 21 hồ sinh học. Hiện nước thải của Vedan thải ra sông Thị Vải cơ bản đạt tiêu chuẩn cho phép, chỉ còn duy nhất màu nước thải là chưa khắc phục được. Sông Thị Vải đang từng bước được phục hồi. Kết quả phân tích mẫu nước và bùn cho thấy tuy các chỉ số chưa đạt được như nguyên thủy nhưng so với thời kỳ nóng bỏng nhất thì đã giảm đi rất nhiều lần. Vừa rồi có sự thuận lợi là có 3 con nước lớn ở đầu nguồn chảy về góp phần đẩy trôi ô nhiễm. Nếu không, việc cứu sống 10 km sông chết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện mới có 3 km sông được cứu, 7 km vẫn còn ô nhiễm. |
Quang Duẩn (ghi)
Bình luận (0)