Cũng như bao người dân ở quê tôi, nhất là những người đang độ tuổi lao động, sau khi tốt nghiệp THPT, chị gái tôi đã lên Sài Gòn làm cho một Công ty may giày da.
Chị cũng có mơ ước và khát vọng về một tương lai tốt đẹp, nhưng gia đình lại rất khó khăn và khi mà dưới chị còn có hai đứa em đang đi học. Chị đành gác lại ước mơ của mình, nhường cơ hội học hành cho các em.
Ngày ấy, cả chị, tôi và những người trong gia đình hoàn toàn xa lạ với mảnh đất Sài Gòn – nơi mà chị sắp đến. Thông qua sự chỉ dẫn nhiệt tình của người quen ở xóm trên, chị cũng đã đến được với Sài Gòn và đi làm vào một tuần sau đó.
|
Dẫu gần 15 năm trôi qua, nhưng trong ký ức vẫn nhớ như in buổi chiều đưa chị. Một buổi chiều của ngày cuối thu, khi gió heo may bắt đầu lặng lẽ, vẫn trên chiếc xuồng ba lá quen thuộc, má chèo, còn tôi thì bơi đưa chị đến nhà người quen ở xóm trên để ngủ nhờ và sáng sớm hôm sau bắt kịp chuyến đò dọc ra Vị Thanh rồi đi xe đò lên Sài Gòn.
Chiều hôm đó, khác hẳn với bao lần mà tôi đi chung xuồng với chị. Bởi lẽ, có đời nào mà tôi chịu bơi xuồng đâu. Tôi thấy khúc sông quê như buồn vời vợi, con nước chiều nay như quên mất lớn ròng.
Khi đến nơi, chị hối má và tôi chèo xuồng về sớm. Có lẽ, chị không muốn ai nhìn thấy từng giọt buồn vương trên mi mắt.
Mới đó, đã gần 15 năm trôi qua và chị cũng đã xa quê, gắn bó với Sài Gòn ngần ấy năm. Dẫu lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn trong chị.
Mỗi năm, chị chỉ về dịp Tết Nguyên đán là lâu nhất. Về lần nào, tôi và chị cũng đến nhà nội. Trên đường đi, hàng xóm lại trêu chọc: Con Ngân bây giờ đã là người thành phố rồi đó. Đáp lại chỉ là nụ cười của chị.
Cũng mỗi lần về, chị kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện về Sài Gòn, còn tôi thì liên tục thắc mắc:
-Em thấy người Sài Gòn tốt bụng mà chị. Em nhớ, lần em lên thăm chị, ông chủ nhà trọ đem gạo, mì sang cho chị và những người khác nữa đó.
-Ờ thì tháng nào cũng vậy. Mỗi khi công nhân ở trọ đóng tiền xong thì bác Tám lại mua đồ đem cho từng phòng. Nhiều chủ nhà trọ khác cũng vậy đó, em. Vì người ta hiểu được phần nào đời sống của công nhân lao động.
-Em thấy Sài Gòn lúc nào cũng đông đúc. Chiều tan tầm, người và xe đông nghẹt. Em ở lâu chắc chịu không nổi.
Lúc mới lên, chị cũng thấy vậy, nhưng dần dần rồi quen. Vậy chớ về nhà thì vui, nhưng cũng thấy buồn, thấy nhớ ở đây lắm.
Em nghe nói, ở thành phố, nhà ai nấy sống. Thậm chí, hai người ở nhà gần nhau mà không biết tên nhau nữa hả chị?
-Không phải tất cả đều vậy đâu. Họ vẫn gắn bó với nhau, nghĩa tình, tối lửa tắt đèn có nhau.
Nghe chị nói, tôi cũng an tâm và cũng xóa đi những lời không hay về Sài Gòn, bởi tôi chỉ đến nơi này đôi lần mà thôi.
-Chị tính ở lại Sài Gòn làm luôn hay về quê? Tôi hỏi.
Chị lặng im một hồi khá lâu. Chị hỏi lại tôi: về quê làm gì bây giờ em? Nhiều người ở quê còn lên Sài Gòn để kiếm sống mà.
-Bộ chị yêu Sài Gòn rồi hả?
Chị vẫn lặng im.
Sau bao lần thất hứa, thì cuộc gọi sáng nay chị đã chắc chắn là nhân nghỉ lễ 30-4 sẽ xin nghỉ phép thêm để về quê lâu hơn.
Cuối cùng, chị cũng đã về nghỉ Lễ như lời hứa. Về được ba ngày, hôm sau chị nói, chắc phải đi sớm. Tôi có đôi chút hờn giận: sao chị nói về nghỉ Lễ và nghỉ phép nữa nên ở cả tuần mà.
-Thì giờ có công chuyện nên đi sớm.
-Nghỉ phép rồi mà còn có công chuyện gì ở công ty sao?
-Không, có công chuyện khác.
|
Rồi sáng hôm sau, tôi cũng đưa chị ra bến xe để lên Sài Gòn. Tôi biết, chị chẳng có công việc gì khác đâu. Thật ra, chị chỉ nhớ đến căn phòng trọ nhỏ của mình trên đất Sài Gòn, nhớ bạn bè, nhớ hình ảnh của những người tha phương mưu sinh và những con đường đông nghẹt người vào giờ tan tầm hay thưa thớt người vào những ngày nghỉ lễ hoặc chiều cuối năm.
Hình ảnh Sài Gòn vẫn hiện hữu trong chị, qua lời chị kể say sưa về thành phố cho đứa em nghe. Cũng như bao người con xa xứ khác, chị đến Sài Gòn rồi yêu mến tình đất, tình người nơi đây.
Nhớ lại, lúc học mới ra trường, bạn bè cũng rủ tôi lên Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Tôi đã từ chối bao lời rủ rê ấy. Bởi, tôi sợ khi ở lâu mình sẽ phải lòng mảnh đất này.
|
Bình luận (0)