Buổi sáng, cô gái nọ cầm chiếc rổ đi chợ. Đi ngang qua khu đất trống trồng toàn cây dừa, bỗng dưng có một thằng bé hàng xóm nhỏ hơn cô vài tuổi nhảy từ sau một gốc cây ra, đưa cả hai tay… bóp vào ngực cô.
Cô tức mình, chửi cho một chặp rồi nghĩ bụng phải đem chuyện này méc với cha thằng bé để ông trị một lần cho nó nhớ đời.
Nghĩ là làm, cô đến gặp cha thằng bé, méc: “Thưa bác, sáng nay con đi chợ thì thằng nhỏ con của bác núp sau gốc dừa nhảy ra, đưa tay bẻ zú con rốp rốp. Bác coi nó có hư không?”. Ông già nghe chuyện, than: “Cái thằng thiệt tình ngu quá sức ngu. Thôi cháu cứ đi chợ, để bác dạy nó cho. Nếu mà gặp bác thì bác… cởi luôn áo ngoài ra mà ngó chớ bẻ zú có được cái nước màu gì!”.
Cô gái tức mình, lại chửi um một hồi rồi nghĩ bụng con đã hư, cha lại hư hơn nữa, vậy phải méc lên tới ông nội nó. Cô tìm đến nhà ông nội, lễ phép thưa: “Ông ơi, ông xử giúp con chuyện này. Sáng nay, con đi chợ, bị thằng cháu nội của ông nhảy từ gốc dừa ra bẻ zú con rốp rốp. Con đem chuyện ấy méc với ba của nó, ai ngờ bác ấy lại nói gặp bác thì bác… cởi luôn áo con ra chớ bẻ làm gì. Ông thấy thằng nhỏ có hư không, bác trai nói có bậy bạ không?”.
Ông nội xin lỗi cô gái rồi an ủi: “Thôi, cháu cứ về lo đi chợ đi, để ông dạy dỗ hai cha con nó. Cả hai đứa đều ngu hết ráo trọi. Gặp ông thì ông… cởi luôn áo ngực ra chớ cởi áo ngoài hay bẻ làm gì cho mệt!”.
Trên đây là câu chuyện hài hước về ba đời nghịch ngợm chịu chơi, kể để mà cười cho vui chứ chẳng nhằm động cơ, mục đích giáo dục cái gì hết, lại càng không có khuynh hướng tuyên truyền, khuếch tán văn hóa đồi truỵ.
Tuy nhiên từ câu chuyện này, ta có thể thấy cái gì cũng đi theo hệ thống từ nhỏ đến lớn bởi đời sống vốn có tôn ti, thứ bậc. Hễ con hư thì méc lên cha, cha và con đều hư nữa thì méc lên ông nội. Vậy nhưng giả thiết rằng ông nội cũng hư luôn như cha và con trong trường hợp cụ thể này thì cô gái có thể méc lên tới... ông cố. Ông cố còn sống hay đã qua đời, có nghe được nội dung cô gái méc hay không thì lại là chuyện khác.
Cuộc sống của chúng ta hôm nay diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, trong đó cái đúng thì rất nhiều nhưng cũng có lắm cái sai trời gầm không nhả. Khi thấy được cái sai, chúng ta có khuynh hướng méc lên... bề trên.
Thí dụ ông xã sai thì méc lên ông huyện, ông huyện sai thì méc lên ông tỉnh. Chữ “méc” là tiếng nói dân gian Nam bộ, ngữ nghĩa nó tương đương với tiếng “phản ánh” trong thuật ngữ của báo chí. Thế nhưng cứ nói “phản ánh” mãi thì nghe nó sang và đầy tính Hán - Việt quá nên bà con ta dùng chữ “méc” cho dễ nghe.
Báo chí và nhà báo làm bốn chức năng: Thu thập thông tin, đánh giá thông tin, thể hiện thông tin ấy bằng kỹ năng riêng của mình và chịu trách nhiệm về thông tin ấy. Nhìn một cách nào đó theo dân gian, những thông tin trên báo chí là lời “méc” của cơ quan báo chí với các cơ quan chính quyền, cơ quan chức năng và với bạn đọc, bạn xem đài của mình về những điều, những cá nhân hay tập thể làm một số công việc mà nhà báo nghĩ là chưa đúng. Còn việc méc ấy lên đến “cha” hay thậm chí lên đến “ông nội” thì lại là một việc khác.
Xã nọ có công dân giao cấu với một bé gái chưa tròn 16 tuổi. Hành vi ấy sai phạm hoàn toàn, cần phải được xử lý hình sự. Tía má nghe con gái kể chuyện, ức lòng làm đơn thưa ra cơ quan chức năng ở xã. Tía má nó thưa ra xã bởi xã là cấp chính quyền gần nhất.
Thế nhưng, xã bảo đó là chuyện hai bên thuận tình, từ chối không xử lý. Không xử lý trong trường hợp này là vi phạm pháp luật. Nếu nhà báo biết được, nhà báo có thể đưa thông tin ấy lên báo đài và đề nghị công an huyện xử lý - nghĩa là con (xã) làm sai thì báo phải méc lên cha (huyện). Vậy nhưng nếu cha (huyện) im lặng không xử lý nữa thì báo có thể méc lên đến… ông nội (tỉnh).
Thế nhưng giữa đời ta lại còn có quy định cấm tố cáo, khiếu nại vượt cấp, vì vậy có nhiều chuyện xảy ra ở xã bà con chỉ dám tố cáo khiếu nại ở đây mà không dám đi lên cấp cao hơn là huyện hay tỉnh. Trong trường hợp xã có một người vì một lý do nào đó, muốn lấp liếm vụ việc đi thì thật khó cho người khiếu nại tố cáo. Vì vậy mà có những oan khuất tồn tại trong lòng xã hội chưa được giải quyết, đặc biệt là đối với những bà con ít thông hiểu về pháp luật.
Trước đây, ta có một nền hành chính công quyền quan liêu bao cấp, ban phát theo cơ chế “xin - cho” khiến người dân sợ hãi. Bạn hãy đi đến một vài nơi vùng sâu vùng xa và hãy quan sát thái độ người dân khi đến các cơ quan cấp xã xin chứng nhận một món giấy tờ hay gửi một cái đơn khiếu nại tố cáo ai đó.
Vẻ cam chịu, vẻ sợ hãi, vẻ lo lắng hiện rõ ra trên khuôn mặt họ. Bạn sẽ hiểu ra rằng họ khổ lòng biết bao nhiêu khi phải đi làm công việc liên hệ với cơ quan hành chính công quyền. Tại sao? Ấy là do tính cửa quyền của thời quan liêu bao cấp đem lại. Ai cũng có quyền hạch sách, nạt nộ người dân với những câu hỏi, câu ra lệnh không chủ ngữ: Đi đâu? Chứng cái gì? Ngồi đó đợi! Khiếu nại ai đó? Sao khiếu nại hoài vậy? Mai đến!
Nỗ lực cải cách hành chính trong nhiều năm qua thật sự đã tạo ra những bước tiến bộ lớn trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Thế nhưng, trong những làng bản, thôn ấp xa xôi, hiện tượng cửa quyền vẫn còn và tư duy cửa quyền vẫn nặng.
Có người còn chua xót nhận ra rằng ngay trong những thành phố, tư duy cửa quyền vẫn chưa chấm dứt được bởi thỉnh thoảng người có quyền, có chức vẫn tự cho phép mình… cửa quyền. Vậy cho nên mới có tình trạng một quan chức tỉnh ra lệnh kỷ luật một người dám chê mình trên mạng xã hội Facebook, một vụ khởi tố và truy tố công dân về một tội danh sắp bị bỏ ra khỏi bộ luật Hình sự, một vụ từ chối đến bù và xin lỗi với một công dân bị bắt giam oan 3 năm sau 30 năm được đình chỉ điều tra…
Báo chí chưa bao giờ làm thay nhiệm vụ của chính quyền và cũng không bao giờ muốn làm thay các công việc của chính quyền. Báo chí chỉ phát hiện, đưa thông tin, đề nghị chính quyền giải quyết mọi điều theo đúng quy định pháp luật.
Chúng tôi nhấn mạnh rằng báo chí luôn luôn chịu trách nhiệm về những gì mình đã thông tin. Rất nhiều thông tin được báo chí phát hiện, sau đó cơ quan chính quyền mới xử lý. Vậy nhưng thật đáng tiếc, nhiều khi báo chí nhận được những câu trách móc của chính quyền đại để như “Sao các anh không cho chúng tôi biết trước thông tin này? Đưa lên báo làm gì cho mang tiếng địa phương?”.
Trách nhau như vậy là không phải. Báo chí đưa thông tin bởi chức năng của nó là… phải đưa như con cá thì phải lội, con chim thì phải hót. Cấp xã báo chí cũng đưa, cấp huyện cũng đưa, cấp tỉnh cũng đưa, thậm chí cấp trên nữa cũng đưa ráo! Cho nên, nhiều khi nhà báo “méc” lên tới ông nội là vậy còn giải quyết vụ việc báo chí đưa thông tin ấy thế nào là thuộc quyền hạn của các cấp từ thấp đến cao.
Bình luận (0)