Theo đại biểu (ĐB) Nghĩa, trong các hành vi bị cấm được nêu trong dự luật, cần bổ sung hành vi xâm hại đến danh dự, thể diện quốc gia, nhân dân Việt Nam. Dẫn chứng về vụ việc du khách Trung Quốc đốt tiền Việt Nam nhưng khó xử lý, ĐB Nghĩa cho rằng đó là hành vi xâm phạm thể diện danh dự của Việt Nam, cần có quy định để xử lý.
“Ngược lại, trường hợp du khách Việt Nam có hành vi có thể không vi phạm pháp luật nhưng làm xấu danh dự thể diện quốc gia thì phải có chế tài. Điều này sẽ làm gia tăng thiện cảm của quốc tế đối với Việt Nam để họ đến Việt Nam nhiều hơn”, ĐB Nghĩa nói.
Ngoài ra, theo ĐB này, dự luật Du lịch sửa đổi chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề bất cập, bức xúc hiện nay trong lĩnh vực du lịch. Nếu không thay đổi triết lý và tái cơ cấu tư duy về du lịch thì không giải quyết được vấn đề, và Việt Nam sẽ còn tiếp tục tụt hậu. “Chưa giải quyết được vấn đề tái cơ cấu, thay đổi triết lý và tư duy về du lịch của Việt Nam thì không giải quyết được vấn đề”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trước ý kiến trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng điều hành phiên thảo luận đã đặt câu hỏi: “Thế theo anh, triết lý của du lịch Việt Nam là gì, tái cơ cấu tư duy như thế nào?".
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này, ĐB Nghĩa cho rằng tư duy hiện nay nay có một số vấn đề như đang chạy theo khai thác mà thả nổi bảo tồn, mới tập trung vào số lượng mà chưa để ý chất lượng, quan niệm không đúng về du lịch giá rẻ, đại trà…
Theo ông Nghĩa, tiêu biểu cho lối tư duy này là quy định tại dự luật về việc trong các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia, có điều kiện là “có diện tích tối thiểu một nghìn héc ta” và “có khả năng tiếp nhận tối thiểu từ 500.000 khách du lịch mỗi năm”, hoặc một trong các điều kiện công nhận điểm du lịch có khả năng tiếp nhận tối thiểu từ 50.000 khách du lịch mỗi năm.
Theo ĐB Nghĩa, du lịch không phải là chuyện ăn xổi cho thế hệ này, nhiệm kỳ này. Trong khi các nước chăm chút bảo tồn các di tích thì ở Việt Nam có chuyện, nhiều nơi trong lúc bảo tồn thì làm mới luôn. “Tư duy của chúng ta mới nặng về số lượng, về tiền bạc, trong khi các giá trị văn hoá, lịch sử mới đẻ ra tiền lâu dài thì chưa được chú ý”, ĐB Nghĩa đơn cử, và đề nghị các khu du lịch quốc gia quan trọng có giá trị văn hoá, lịch sử thiên nhiên, có yêu cầu bảo tồn cho cao thì phải do T.Ư trực tiếp quản lý hoặc hoặc ủy quyền chứ không giao hoàn toàn cho các địa phương.
tin liên quan
Chấp nhận hao hụt thị trường khách du lịch giá rẻĐó là quan điểm rõ ràng của ngành du lịch Đà Nẵng để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, điểm đến chất lượng.
Thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của du lịch Việt Nam, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đánh giá: “Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn nhưng cứ chạy mãi theo người ta, chạy mãi mà không kịp, bây giờ tìm cách đuổi kịp người ta và trỗi dậy nhưng rất khó khăn”.
Dẫn thực tế du lịch của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN, lượng khách mỗi năm chưa được 8 triệu, trong khi Thái Lan là 29 triệu, ĐB Kim so sánh: "Ta chỉ bằng 31% Thái Lan, như vậy là xấu hổ, một đất nước nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, thiên nhiên đẹp mà không làm du lịch được”.
Theo ông Kim, Việt Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong dự luật cho thấy nhận thức về về du lịch còn quá hạn chế. Ông Kim đơn cử: Dự luật định nghĩa du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc... nhưng lại bỏ đi 2 yếu tố quan trọng là xã hội và tự nhiên. “Xã hội Việt Nam thế nào, tự nhiên thế nào không nói. Văn hóa là về tinh thần và vật chất do con người sáng tạo ra, còn xã hội, tự nhiên không đưa vào là quá bó hẹp đi văn hóa. Phải tư duy, thiết kế nội dung này trong luật theo hướng bằng văn hóa, xã hội, tự nhiên để phục vụ khai thác du lịch của chúng ta”, ĐB Kim đề nghị.
Bình luận (0)