Có dấu hiệu phạm tội đầu cơ
Điều 160 bộ luật Hình sự quy định về tội đầu cơ như sau: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm…”. Hành vi găm hàng xăng dầu, đợi giá lên mới bán là hành vi có dấu hiệu phạm tội này. Do đó, tùy theo kết quả điều tra, mức độ vi phạm và hậu quả mà xử lý. Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre)
Đi ngược lại chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nói rằng, nên hiểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính “kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, và điều hành xăng dầu vì lợi ích của dân” là hiểu theo nghĩa rộng, tức điều hành xăng dầu đảm bảo đủ xăng cho người dân dùng. Nếu nói như vậy mà các cây xăng lại găm hàng khiến người dân phải lao đao tức là đi ngược lại chỉ đạo của Bộ Tài chính. Vậy phải phạt thật nặng mới tương xứng với hành vi đó. Ngô Thanh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Hành vi phá hoại
Trong mấy ngày qua, hành vi găm hàng của rất nhiều cây xăng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội. Người dân khi đang trên đường đi làm, học hành… hết xăng, ghé cây xăng nào cũng báo nghỉ bán, cúp điện, hết xăng… nên phải dắt bộ hoặc mua xăng với giá cắt cổ. Ấy là chưa nói đến các xe chở hàng hóa phải khốn khổ thế nào khi hết xăng mà không có chỗ nào bán. Như vậy, hành vi găm xăng không những vi phạm luật, mà còn là hành vi phá hoại kinh tế, gây bất ổn xã hội. Nhà nước cần nghiên cứu mức phạt thật nặng đối với hành vi này. (tranhung@gmail.com)
Nên tước giấy phép
Với hành vi găm hàng, theo tôi, phải tước giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Nếu điều tra thấy hành vi này cấu thành tội đầu cơ thì xử lý hình sự ở khung cao nhất. Không thể dừng lại ở việc phạt hành chính, phạt tiền như hiện nay. Găm hàng chục, hàng trăm tấn xăng chờ lên giá bán ra thì tiền lãi là con số cả hàng trăm triệu mà phạt vài chục triệu thì nhẹ quá. Nguyễn Tùng (Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP.HCM)
Theo tôi, vấn đề găm hàng xăng dầu, giá tăng liên tục, tăng nhiều, giảm ít… xét cho cùng là do ở khâu quản lý mà ra. Tại sao các nước lân cận không xảy ra tình trạng này? (Nguyễn Hữu Vĩ - Q.12, TP.HCM) Không dễ để bắt quả tang hành vi găm hàng của các cây xăng bởi họ có nhiều “chiêu” để không bán cho khách, đối phó với các cơ quan chức năng. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để xử lý những hành vi này. (Nguyễn Thị Chín - Biên Hòa, Đồng Nai) Giá xăng dầu liên tục dao động, xăng dỏm tràn lan, đại lý xăng vô tư găm hàng mà chẳng thấy xử lý. Những điệp khúc này khi nào mới chấm dứt? (Phạm Nguyễn Tấn Thắng - Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Thanh Đông |
BAN CTBĐ (tổng hợp)
>> Xăng dầu lại đồng loạt găm hàng
>> Hàng loạt cây xăng “găm hàng” trước giờ tăng giá
>> Cây xăng lại “găm” hàng
>> Nhiều trạm xăng tiếp tục "găm" hàng không bán
>> Nhiều cây xăng có biểu hiện găm hàng
Bình luận (0)