(TNO) Olympic Brazil cực mạnh với những Thiago Silva, Neymar, Pato, Ganso, Hulk… đang quyết tranh huy chương vàng (HCV) tại Olympic London 2012? Nói thế không sai, nhưng cũng chẳng có gì lạ.
>> Vương quốc Anh, Mỹ và Brazil vào tứ kết
>> Olympic Brazil suýt trả giá đắt cho tính chủ quan
>> Brazil và Tây Ban Nha là những ứng viên sáng giá nhất
|
Còn ai tranh hùng với Brazil nữa, khi đối thủ xứng tầm duy nhất của họ là Tây Ban Nha đã sớm bị loại sau 2 trận thua liên tiếp?
Ở Brazil, không ai không hiểu về tầm quan trọng của chiếc HCV Olympic trong môn bóng đá nam. Nhưng nếu Brazil đoạt HCV tại London 2012 thì ngoài ý nghĩa hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu vô địch trên các đấu trường quốc tế, chẳng có gì khác để bóng đá Brazil tự hào. Làm sao có thể tự hào khi bạn vô địch trong một giải đấu mà không có đối thủ nào xứng tầm?
Chủ nhà Anh chỉ là tập hợp của các cầu thủ “tứ xứ” (theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), chưa bao giờ đứng chung với nhau, cũng không phải là các cầu thủ tốt nhất hiện có trên quê hương bóng đá. Uruguay thì chỉ có mỗi Edinson Cavani và Luis Suarez, mà họ lại chỉ tỏ ra mờ nhạt tính đến thời điểm này. Đã vậy, Anh và Uruguay còn phải loại nhau, chỉ có một đội đi tiếp. Còn ai đá với Brazil?
Thắng trong hoàn cảnh như thế, thật chẳng vinh quang chút nào. Ngược lại, thua thì… mang nhục. Mà trong cái loại hình bóng đá kỳ lạ của Olympic, bất cứ đội nào cũng có thể thua. Suy cho cùng, Brazil phải hiểu rõ hơn ai hết, khi chính họ chưa bao giờ vô địch Olympic, dù đã sử dụng đủ các siêu sao như Ronaldinho, Bebeto, Ronaldo, Roberto Carlos, Rivaldo… ở đấu trường này (Neymar thì đã là gì so với những tên tuổi ấy)! Vậy thì, Brazil quyết đá… để làm gì?
Tất nhiên, để lấy cho xong chiếc HCV Olympic mà bóng đá Brazil còn thiếu. Nhưng quan trọng hơn, Brazil cần phải làm quen với mọi hoàn cảnh trước khi bước vào World Cup 2014 ngay tại sân nhà. Ví dụ, họ phải làm quen với hoàn cảnh thi đấu mà đối phương cố thủ từ đầu đến cuối, luôn có 10 cầu thủ đứng sau quả bóng, chỉ chuyên rình rập phản công, như ở trận gặp Belarus.
Họ phải làm quen với hoàn cảnh mà đối phương coi như đã chấp nhận thua, cứ thoải mái tấn công nhưng lại suýt làm nên chuyện, như ở trận gặp Ai Cập. Hoặc Brazil cần phải làm quen với hoàn cảnh thi đấu trong cái áp lực khủng khiếp từ việc “phải vô địch, thua thì quá nhục”.
Đấy mới là những điều quan trọng mà HLV Mano Menezes sẽ rút ra kinh nghiệm sau khi trở về từ London. Chiếc HCV Olympic đầu tiên về bóng đá nam kể cũng quan trọng (với Brazil). Nhưng London 2012 làm sao quan trọng bằng World Cup 2014!
Nguyễn Minh
Bình luận (0)